Nguồn gốc từ Thái Lan
Tờ 163.com, một trong những trang điện tử uy tín tại Trung Quốc, cho biết, ngày 8/1/2025, Trung Quốc thông báo phát hiện dư lượng chất vàng O trong lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan.
Vàng O là chất nhuộm màu dùng trong công nghiệp như nhuộm da, giấy, gỗ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vàng O vào danh mục chất gây ung thư, mức độ 2B. Còn tại Trung Quốc, chất này bị cấm dùng trong thực phẩm từ năm 2008.
Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang nước này đều phải có giấy chứng nhận kiểm định không có chất vàng O. Từ ngày 10/1/2025, Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu với nông sản của các nước không đạt chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Báo mạng Trung Quốc dẫn lời một số doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng của nước này cho biết, từ ngày 10/1, các lô sầu riêng “đều bị kiểm tra từng xe một”, trong khi hiệu suất kiểm nghiệm chất vàng O là không cao.
Điều này cũng gián tiếp khiến tốc độ nhập khẩu hàng hóa trở nên rất chậm. Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã tổ chức hội nghị khẩn cấp về đề nghị của Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, bà Narumon Pinyosinwat, được báo Trung Quốc dẫn lời: “Chính phủ Thái Lan đang điều tra triệt để vấn đề, phối hợp với Trung Quốc trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng”.
Nữ Bộ trưởng của Thái Lan cho biết, hiện nước này tạm khoanh vùng hai khu vực có sầu riêng nhiễm chất vàng O là Chumphon và Nakhon Si Thammarat.
Bà Narumon khẳng định những trường hợp vi phạm sẽ bị “pháp luật nghiêm trị”. Người đứng đầu ngành nông nghiệp Thái Lan kêu gọi người dân và doanh nghiệp bình tĩnh, tránh cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến lợi ích của nông dân. Hiện tại, nhiều địa phương ở Thái Lan đã ngừng thu mua sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo tờ 163.com, vốn dĩ chuyện chất vàng O xuất phát từ Thái Lan, song hai nước Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc sẽ nâng cao yêu cầu kiểm dịch nông sản.
Công bố tiêu chuẩn chất vàng O
Chất vàng O (Auramine O) bị Trung Quốc liệt vào danh sách chất cấm dùng trong thực phẩm. Theo tờ 163.com, từ tháng 4/2024, Trung Quốc từng phát hiện dư lượng chất vàng O trong quả sầu riêng từ Thái Lan, Việt Nam. Sau đó, nước này có công văn gửi hai nước xuất khẩu sầu riêng, nêu rõ việc Trung Quốc không nhập khẩu sầu riêng có dư lượng vàng O.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ), cho biết: “Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng như chúng tôi đang chờ Cục Bảo vệ Thực vật công bố danh sách phòng kiểm nghiệm Auramine O. Bởi điều kiện cần để xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc là phải có kết quả kiểm nghiệm hai chất Cadimi và Auramine O. Đơn vị kiểm nghiệm phải được cả hai phía Cục Bảo vệ Thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cùng công nhận”.
Ông Thìn cho rằng, cần lưu ý tới kết quả phân tích xem chất vàng O có trong thịt quả hay vỏ quả. Đến thời điểm này, theo thông tin ông Thìn nắm được, cả Việt Nam và Thái Lan vẫn chưa có công bố kết quả phân tích chất Auramime O đến từ canh tác trên cây hay từ sau thu hoạch.
Từ đó, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ nêu một số kiến nghị. Đối với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cần sớm công bố tiêu chuẩn Auramine O đối với nông sản và sản phẩm nông sản.
Ông Thìn kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật (BVTV): Công bố rõ phía GACC sẽ phân tích ruột đối với sầu riêng; Công bố rõ phía Trung Quốc cho phép dư lượng trên thịt quả sầu riêng bao nhiêu ppm/ppb; Công bố Giới hạn phát hiện (LOD) của thiết bị phân tích của GACC kiểm tra tra sầu riêng Việt Nam, Thái Lan.
Về giải pháp, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ kiến nghị các cơ quan quản lý địa phương tuyên truyền nông dân, cơ sở đóng gói sầu riêng chú ý không dùng phân bón, thuốc BVTV, phụ gia, phẩm màu có màu, đặc biệt màu vàng, màu xanh.
“Cần gửi đến phòng kiểm nghiệm xác nhận không có vàng O mới nên sử dụng trong trường hợp được phép và cần sử dụng. Đầu tư kinh phí và nhân sự phân lấy mẫu phân tích để tìm kiếm, xác định được nguồn gốc vàng O để khóa được, tránh được nguyên liệu và sản phẩm sầu riêng dương tính Vàng O.
Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra sự tuân thủ của nông dân và cơ sở đóng gói.
Kiến nghị 1 và 2 mục đích làm rõ sản phẩm Việt Nam hợp chuẩn Việt Nam, để các doanh nghiệp nông dân trồng và đóng gói, kinh doanh không bị "hoảng loạn" vì sợ bị tiêu hủy, nếu hợp chuẩn Việt Nam thì không phải lo”, ông Thìn nói.
Nếu phía phía Cục BVTV và GACC có thể đàm phán đồng ý được là chỉ tính kết quả trên thịt quả (phần ăn được), thì là tin tốt nhất cho nông dân, cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam hiện tại, theo ông Thìn.
“Theo nguồn tin tôi nhận được hiện tại là các kết quả phân tích auramine từ phía Trung Quốc, Thái Lan và phía Việt Nam, thì Auramine O không phát hiện trong thịt quả, nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc, Thái Lan và các nước trên thế giới ăn thịt quả trước nay vẫn an toàn”.
Nếu vỏ quả có thì cần chờ thêm kết quả phân tích để khẳng định từ đâu để có đích loại trừ hiệu quả. Công nhận kết quả phần thịt quả là hợp lý, vì hiện tại Trung Quốc quy định với quả sầu riêng là: “Kết quả phân tích thịt quả (phần ăn được) cho chỉ tiêu kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật (hóa chất), Auramine O cũng là 1 hóa chất”.