| Hotline: 0983.970.780

Mai vàng Kỳ Nam khoe sắc dưới chân núi Hoành

Thứ Tư 22/01/2025 , 08:45 (GMT+7)

Hà Tĩnh Dưới ánh nắng le lói ngày cuối đông, hoa mai vàng Kỳ Nam bắt đầu hé nở, khoe sắc đúng dịp Tết cổ truyền.

“Thuần hóa” mai tự nhiên thành hàng hóa

Kỳ Nam” là tên gọi một xã (nay là phường) của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Địa danh này đã xuất hiện từ lâu đời nhưng chính thức được thể hiện trong các văn bản hành chính từ năm 1954, khi chính quyền cách mạng quyết định tách một số xã rộng lớn trên địa bàn huyện Kỳ Anh để thành lập các xã mới. Năm 2015, thị xã Kỳ Anh ra đời trên cơ sở chia tách thị trấn Kỳ Anh và một số xã của huyện Kỳ Anh trong đó có phường Kỳ Nam.

Mai vàng Kỳ Nam là loài mai bản địa, trước đây mọc thành rừng dưới chân núi Đèo Ngang. Ảnh: Thanh Nga.

Mai vàng Kỳ Nam là loài mai bản địa, trước đây mọc thành rừng dưới chân núi Đèo Ngang. Ảnh: Thanh Nga.

Mảnh đất này có địa hình đặc biệt, nằm trong thung lũng hẹp có độ dốc lớn kéo từ sườn núi dãy Hoành Sơn ra biển. Ba phía Bắc, Tây và Nam đều bị án ngữ bởi núi, phía Đông giáp biển. Với địa hình như vậy, đặc thù thời tiết nơi đây được ví như “ống gió, chảo lửa, túi mưa”. Việc trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân luôn là bài toán đau đầu của giới chuyên môn và chính quyền các cấp.

Dịp Tết đến xuân về, trong số các cây trồng chủ lực của người dân thị xã Kỳ Anh, cây mai vàng Kỳ Nam trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, sự may mắn, bình an, ấm no.

Anh Nguyễn Viết Xuân, tổ dân phố Tân Thành, người có 20 năm kinh nghiệm trồng mai cho biết, mai Kỳ Nam vốn là loài cây bản địa mọc nhiều trên các dãy núi ở Kỳ Nam, nơi Đèo Ngang hun hút gió. Cứ mỗi dịp tết đến, người dân lại kéo nhau lên các dãy núi Hoành Sơn, núi Mũi Độc chặt mai về chưng tết.

Tuy nhiên, việc khai thác tự do, vô tội vạ nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng giống mai này ngoài tự nhiên. Do đó, chính quyền và người dân Kỳ Nam cùng nhau nghiên cứu và hình thành ngành sản xuất mới đó là ngành trồng mai để thay thế cho việc trồng hoa màu vốn có giá trị kinh tế không cao.

Anh Nguyễn Viết Xuân, người có 20 năm trồng mai cho biết, người dân đã 'thuần hóa' mai tự nhiên thành cây trồng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho bà con. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Nguyễn Viết Xuân, người có 20 năm trồng mai cho biết, người dân đã "thuần hóa" mai tự nhiên thành cây trồng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho bà con. Ảnh: Thanh Nga.

“Qua hàng chục năm ươm trồng, đúc rút kinh nghiệm, hiện chúng tôi đã hình thành một vùng trồng mai chuyên canh, hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân”, anh Xuân nói.

Gia đình anh có 2 vườn mai, một trồng trên đồi, một trồng trong vườn nhà, với tổng diện tích hơn 6 sào. Năm 2024, trong tổng số 1.500 gốc mai, có khoảng 200 gốc tuổi đời từ 3 đến 20 năm nở hoa dịp Tết, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Hiện tại tôi đã nhận đặt cọc hơn 200 triệu đồng. Năm nay trời rét muộn nên mai nở muộn. Tuy nhiên, chúng tôi tuốt lá đúng thời điểm nên đến 30 Tết lượng hoa nở trên cây ước sẽ đạt 40 - 50%”, anh Xuân mân mê cánh mai vừa bung nở nói.

Theo anh, trước đây người dân trồng mai tự phát, chăm sóc không bài bản nên năm nào may mắn mai nở đúng dịp Tết nhưng năm nào thời tiết bất thuận mai nở sớm hoặc nở quá muộn, gây thất thu.

Từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hỗ trợ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển cây mai vàng thị xã Kỳ Anh theo hướng hàng hóa” thì người trồng mai Kỳ Nam mới làm chủ được việc kéo dài tuổi thọ cho cây, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật và “canh” hoa nở đúng dịp Tết.

Cây mai được rao bán với giá 40 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Cây mai được rao bán với giá 40 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Cuối tháng Chạp năm Giáp Thìn, bầu trời Hà Tĩnh âm u, mưa nhiều hơn nắng nhưng khách hàng từ TP Hà Tĩnh vẫn nườm nượp vượt quãng đường hơn 80km vào tận nhà vườn lựa chọn mai về chưng Tết.

Anh Thức, một khách hàng ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh cho biết, khoảng 5 năm nay, tầm 10 - 15/12 âm lịch hàng năm anh vào Kỳ Nam chọn mai đem đi biếu và chơi tết. Năm nay, anh chọn một gốc mai 20 năm tuổi có giá gần 40 triệu đồng để tặng bạn và một gốc 4 năm tuổi, giá 5 triệu đồng để chào đón năm mới.

Chia sẻ lý do chọn mai vàng Kỳ Nam, anh Thức nói: “Giống mai ở đây lá to, bầu, dày, màu sắc hoa vàng đậm nên lâu tàn. Hơn nữa giá cả cũng phải chăng nên phù hợp với điều kiện thu nhập của đại bộ phận người dân”.

Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” cho cây mai vàng

Thống kê sơ bộ, tổng diện tích trồng mai tại thị xã Kỳ Anh đạt trên 10ha, trong đó phường Kỳ Nam đạt hơn 6ha với gần 200 hộ tham gia. Bình quân mỗi năm, nghề trồng mai đem lại thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/hộ trồng trên 100 gốc và 30 - 50 triệu đồng/hộ trồng dưới 100 gốc. Cá biệt, có những vườn mai thế độc, lạ, trồng lâu năm có giá trị hàng tỷ đồng.

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế loài cây cảnh này đem lại cho người dân thị xã Kỳ Anh rất lớn và cũng đã được địa phương xác định là cây trồng chủ lực trong tương lai, mở ra cơ hội làm giàu không chỉ cho người dân Kỳ Nam mà còn vươn sang các phường Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Trinh và một số xã vùng phụ cận.

Để bảo hộ cho cây mai Kỳ Nam phát triển bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đang tạo lập chỉ dẫn địa lý cho loài cây này. Ảnh: Thanh Nga.

Để bảo hộ cho cây mai Kỳ Nam phát triển bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đang tạo lập chỉ dẫn địa lý cho loài cây này. Ảnh: Thanh Nga.

Để bảo hộ cho cây mai Kỳ Nam phát triển bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ trồng mới của thị xã Kỳ Anh, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đang tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” cho sản phẩm cây mai vàng của thị xã Kỳ Anh để đồng hành và hỗ trợ người dân trong việc áp dụng công cụ sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” cho sản phẩm cây mai vàng bản địa sẽ tạo ra công cụ sở hữu trí tuệ và công cụ pháp lý để gìn giữ, bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị giống mai Kỳ Nam, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hoạt động quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của cây mai, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng tại khu vực chỉ dẫn địa lý. Đồng thời quảng bá thương hiệu “mai vàng Kỳ Nam” rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước.

Dịp tết năm nay, nhiều nhà vườn ở thị xã Kỳ Anh thu tiền tỷ từ cây mai vàng. Ảnh: Thanh Nga.

Dịp tết năm nay, nhiều nhà vườn ở thị xã Kỳ Anh thu tiền tỷ từ cây mai vàng. Ảnh: Thanh Nga.

“Để một sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần rất nhiều yếu tố. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với thị xã Kỳ Anh điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ để sớm trình cấp có thẩm quyền công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng Kỳ Nam.

Khi sản phẩm được bảo hộ sẽ có bản đồ khu vực địa lý phát triển loài cây này; sổ tay hướng dẫn kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc, cắt tỉa tạo tán và kích thích ra hoa đúng thời điểm dịp Tết; thiết kế hệ thống nhận diện sản phẩm...”, ông Hùng nhấn mạnh.

Mai vàng Kỳ Nam từ lâu đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường. Những gốc lâu năm có giá đến 100 triệu đồng/cây. Bình quân cây ra hoa năm 2 có tán cân đối giá từ 5 - 8 triệu đồng, cây nhỏ giá trên 2 triệu đồng/cây.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.