Vụ hoa bất thuận
Những ngày cận Tết, các vườn hoa trên địa bàn quận 12 (TP.HCM) như khoác lên mình bộ áo mới với đủ sắc màu. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn hoa đầy ắp sắc xuân, chị Trịnh Thị Kim Lan, một nhà vườn lâu năm tại phường Thới An, quận 12 vừa nâng niu bông hoa hướng dương, vừa chia sẻ về niềm yêu thích của mình khi nhìn những bông hoa khoe sắc giúp chị vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề.
"Nếu không yêu nghề, thì không thể trồng hoa được, vì nghề hoa nhiều khó khăn gian khổ lắm. Chưa kể đến việc, đất nông nghiệp của TP.HCM ngày càng thu hẹp, khiến các nhà vườn liên tục phải tìm đất mới để thuê, rồi khai thác cải tạo, câu điện, đào giếng... Nhưng khi chính tay mình chăm sóc từ cây nhỏ, đến cây lớn, ra hoa, nhìn ngắm chúng là mọi thứ tan biến", chị Lan chia sẻ.
Theo chị Lan, cũng như nhiều nhà vườn khác, năm nay vườn hoa của chị gặp nhiều khó khăn khi thời tiết mưa nhiều, sương muối. Nhiều cây hoa không thể lên nụ hoặc chết yểu.
Tuy nhiên, nhờ sự cần mẫn trong từng khâu chăm sóc, vườn hoa vẫn giữ được vẻ đẹp như mọi năm. Không chỉ vất vả trong việc chăm hoa, chi phí sản xuất cũng gia tăng do nhu cầu phân bón cao hơn vì mưa lâu ngày, mưa trái mùa.
“Năm nay tôi đưa ra thị trường khoảng 7.000 chậu hoa các loại, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lượng khách đến mua tại vườn mới chỉ đạt khoảng 30%. Gần Tết chúng tôi phải đem hoa ra những điểm bán như Phạm Duy Thông, Gia Định hoặc Lê Thị Riêng để bán lẻ cho khách, tuy nhiên nhiều điểm bán hoa bị hạn chế, chỉ được phép bán đến 12h trưa.
Mặt khác, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn khi Nghị định 168 được ban hành. Nhiều tài xế không dám nhận hàng vì sợ bị phạt, bị tắc đường, trong khi đó, chở hoa thì cồng kềnh, dễ bị hư hại khi phải đi quá xa giữa trời nắng nóng. Chúng tôi lo không biết những ngày sắp tới sẽ thế nào, vụ hoa năm nay có bán được hết không”, chị Lan trăn trở.
Tổ hợp tác hoa nền phường Thạnh Xuân, quận 12 với 6 thành viên sản xuất trên diện tích 20.000m2, dự định năm nay sẽ cho ra thị trường hàng trăm ngàn chậu hoa nền đủ các loại như cúc mâm xôi, thược dược, vạn thọ, dừa cạn, mào gà, bông lúa, hướng dương...
Hoa vẫn nằm vườn do khó vận chuyển
Ông Lê Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa nền phường Thạnh Xuân cho biết, hàng ngày, ông phải dậy từ 4h sáng để tưới nước cho hoa không bị sương muối làm hư hại cây. Những cơn mưa trái mùa cũng khiến một lượng lớn số cây bị hư hại. Dù thời tiết thất thường, nhưng những người trồng hoa như ông vẫn cố gắng duy trì sản xuất, mang lại những sắc hoa đến với mọi nhà.
Dự kiến năm nay, riêng vườn của ông Tuấn sẽ đưa ra thị trường khoảng 140.000 chậu hoa với khoảng gần 30 chủng loại với nhiều mức giá khác nhau để người dân dễ dàng lựa chọn.
Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa nền phường Thạnh Xuân cho biết thêm, may mắn cho nhiều nhà vườn trồng hoa là bà con phường Thạnh Xuân đã thấu hiểu những nỗi khó khăn của người nông dân, họ đã đến tận vườn để mua hoa, thế nhưng lại gặp khó khăn trong việc vận chuyển.
"Từ sáng tới giờ khách đến vườn mua hoa vẫn không thể đặt được xe để vận chuyển. Hoa đẹp thì có sẵn, người mua cũng đã đặt, nhưng không có người vận chuyển nên hoa vẫn nằm tại vườn.
Tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ vấn đề vận chuyển để người nông dân trồng hoa chúng tôi đón Tết Ất Tỵ được trọn vẹn. Chứ giờ thấp thỏm lắm!", ông Lê Văn Tuấn nói.
Cứ vào độ tháng 9 hàng năm, bà Lê Thị Hồng Loan, một thành viên trong Tổ hợp tác hoa nền phường Thạnh Xuân lại bắt đầu gieo trồng cho một vụ hoa Tết.
“Ban đầu, tôi dự định trồng ít vì thấy tình hình khó khăn, nhưng đến khi trồng lại đam mê quá, cứ trồng thêm trồng thêm, đến nay là khoảng 25.000 cây hoa với 20 loại khác nhau. Dù khó khăn là thế, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng, hy vọng mang đến những chậu hoa đẹp nhất cho khách hàng trong dịp Tết", bà Loan nói và cho biết, năm nay bà tiếp tục đem hoa sang bán tại điểm bán đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Thế nhưng đang rất hồi hộp vì... Nghị định 168.
Vụ hoa Tết năm nay, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cũng hỗ trợ nhiều hộ nông dân trồng hoa về chậu hoa, giống, phân để các nhà vườn vơi bớt khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, đến thời điểm hiện tại, quận 12 chỉ còn 3 cơ sở Hội ở 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, với khoảng hơn 450 hộ làm nông nghiệp. Trong đó, Tổ hợp tác hoa nền phường Thạnh Xuân mới được thành lập từ đầu năm 2024, đã và đang cung cấp một lượng hoa lớn cho thị trường thành phố.
"Tết luôn là thời điểm cao điểm trong năm đối với những người nông dân trồng hoa, cây kiểng. Do vậy, địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các điểm bán hàng Tết để hỗ trợ các nhà vườn trên địa bàn bán được hoa với giá cả ổn định", Chủ tịch Hội Nông dân quận 12 Nguyễn Thị Thu Anh nói và cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động bà con cùng tham gia tổ hợp tác để nghề hoa, cây kiểng ngày một phát triển hơn nữa.
Đằng sau sự rực rỡ của những vườn hoa là nỗi lo của người nông dân trong đợt cao điểm sản xuất và kinh doanh hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 do khó khăn trong khâu vận chuyển. Các nhà vườn mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con, không chỉ để giữ gìn nghề trồng hoa tại đô thị phương Nam, mà còn giúp người trồng hoa vượt qua những thách thức hiện tại và có một mùa Tết trọn vẹn hơn.