Do vậy, chúng ta cần chú ý phát triển cấp nước sạch tại vùng nông thôn cho sinh hoạt và SX nông nghiệp sạch, coi đó như một ngành nghề dịch vụ tiềm năng.
Ảnh minh họa |
Vấn đề lớn của nước sạch nông thôn nước ta sau Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn là quản lý kém hiệu quả, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì chủ yếu tập trung vào khâu đầu tư, quy mô công trình cấp nước manh mún (quy mô thôn, xóm; đầu tư thiếu tính đồng bộ) nên suất đầu tư cao, hiệu quả vận hành thấp.
Muốn tăng tính bền vững công trình, cần cải tiến mô hình quản lý sau đầu tư, chuyển đổi sang mô hình dịch vụ thay vì bao cấp như trước đây, chất lượng nước bảo đảm quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu người sử dụng bao gồm cả nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Xã hội hóa cấp nước nông thôn đang được triển khai mạnh mẽ tại một số khu vực và địa phương. Các chính sách do Trung ương và địa phương ban hành về xã hội hóa cấp nước đang phát huy tác dụng, với nhiều DN quan tâm, tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhiều địa phương đã chủ chủ động ban hành chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, điển hình như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An Cần Thơ…
Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước còn chậm, chưa thu hút được các thành phần kinh tế, sự tham gia của DN còn thấp (chiếm 5,3%) do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn kém hiệu quả, thủ tục hành chính phức tạp, nhiều cấp trung gian, thông tin thiếu minh bạch và công khai. Việc này cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cấp uỷ Đảng cơ sở và vai trò của đảng viên cần phát huy hơn nữa.
Công trình cấp nước tập trung hoạt động hiệu quả chủ yếu ở vùng đồng bằng, Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua các DN nhà nước, vì thu lợi nhuận là mục tiêu chính và trước hết của DN, bởi vậy phải thực hiện các hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dịch vụ công.
Hiện nay, các dịch vụ cấp nước sạch nông thôn còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi. Chúng ta đang tiến hành xã hội hóa nước sạch nông thôn, Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát triển nước sạch thành một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên điều này chỉ mới thành công ở một số tỉnh, thành, ở những khu vực mà người dân sẵn sàng chi trả tiền sử dụng nước sạch, tới đây cần nhân rộng các mô hình này ra nhiều địa phương.
KHKT trong cấp nước trên thế giới đã rất phát triển, tuy nhiên phần lớn công trình cấp nước nông thôn ở Việt Nam vẫn xử lý rất đơn giản, công nghệ xử lý nước, công nghệ quản lý, chống thất thoát, thất thu nước sạch vẫn không được nâng lên mặc dù công trình đã hoạt động gần hết thời gian khấu hao và chất lượng nguồn nước đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chất thải sinh hoạt, SX. |
Một vấn đề khác là, chi phí SX nước sạch tại nông thôn cao hơn đô thị, nhưng nhu cầu sử dụng thiếu tính ổn định. Chúng ta còn yếu trong công tác tiếp thị để tăng nhu cầu sử dụng nước ở nông thôn. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ công trình cấp nước sạch nông thôn thu không đủ bù chi, nếu kéo dài thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề và điều tất yếu xảy ra đó là công trình thiếu tính bền vững.
2. Vấn đề nông dân với nước sạch
Một thực tế là, nông dân tại một số vùng còn quá nghèo, chưa sẵn sàng/chưa đủ khả năng để chi trả tiền sử dụng nước sạch hoặc để tự xây dựng được công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình đảm bảo chất lượng nước. Một hạn chế cố hữu nữa đó là, nông dân nước ta thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội hóa cao.
Mặt khác, nước ta đang bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, lụt gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và người nông dân chiếm phần lớn trong số người bị thiệt hại trực tiếp khi có thiên tai xảy ra. Vì vậy vấn đề nước sạch chính là ổn định an sinh xã hội và là một phần của công tác hỗ trợ khẩn cấp về phòng chống thiên tai.
Theo số liệu năm 2017, với hơn nửa dân số nông thôn (56,5%) sử dụng nước từ công trình nhỏ lẻ hộ gia đình và 55% công trình cấp nước tập trung nông thôn do cộng đồng quản lý, vận hành thì việc chú ý đến công tác truyền thông, tập huấn quản lý vận hành cho người nông dân là hết sức cần thiết.
Phát triển nước sạch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới, con đường đúng đắn không phải là xóa bỏ hoàn toàn công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình, mà cần quan tâm để đảm bảo chất lượng nước đối với công trình cấp nước nhỏ lẻ, đặc biệt tại những vùng trình độ dân trí hạn chế, chưa thể hoặc không có khả năng phát triển công trình cấp nước tập trung.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị xử lý nước hộ gia đình được giới thiệu với nhiều công nghệ có thể xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu giải pháp tổng thể trong công tác quản lý chất lượng nước cho mảng cấp nước nhỏ lẻ này. Nước sạch nông thôn còn thiếu các thể chế dựa vào cộng đồng như HTX và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân phụ trách việc cung cấp các dịch vụ công.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, khoảng cách về tỷ lệ sử dụng nước sạch giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp lại, tuy nhiên vấn đề chất lượng nước sạch ở nông thôn và thành thị cần được thống nhất thành một quy chuẩn.
Vấn đề xã hội hóa nước sạch nông thôn cần có cái nhìn toàn diện hơn để phát triển không chỉ ở vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi. Các nguyên nhân gây cản trở cho việc xã hội hóa cấp nước nông thôn không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp tình thế, mà có thể phải thay đổi ngay từ trong đường lối cải cách.
Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các DN tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách ngành nước sạch, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của quần chúng. Phát triển mạnh xã hội dân sự để huy động người dân tham gia vào việc cung cấp nước sạch chính là áp dụng quan điểm quần chúng của Đảng ta.
Với nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn phải đảm bảo tính bền vững trong điều kiện môi trường nước tại nông thôn đang bị ảnh hưởng lớn bởi các hình thức thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, do hậu quả phát triển “kinh tế nóng” gây ra nên có các hoạt động bảo vệ môi trường (bao bồm cả môi trường nước) gắn liền Nhà nước, DN và các cộng đồng nông thôn cùng chung tay bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.
Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, nếu giao việc bảo vệ môi trường cho các tổ chức nông dân thì có thể biến việc bảo vệ môi trường trở thành những hoạt động kinh tế tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Việc phát triển du lịch nông thôn cũng góp phần nâng cao được chất lượng môi trường.
3. Kết luận
Để giải quyết các vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nước sạch nông thôn có hiệu lực như:
- Nhà nước cần có chính sách phát triển nước sạch nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào khâu đầu tư. Phát triển nước sạch nông thôn cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương, các cấp uỷ Đảng tại địa phương và chính người dân chứ không đơn thuần là của riêng Bộ NN- PTNT. Do vậy cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như:
Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý: Tổ chức quản lý nhà nước; tổ chức đơn vị sự nghiệp làm công tác nước sạch; tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;
Hoàn thiện cơ chế chính sách: Đối tác công tư lĩnh vực nước sạch; chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn; giá nước, tín dụng đối với nước sạch; cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình;
Tăng cường đầu tư lĩnh vực cấp nước nông thôn: Xã hội hóa, hỗ trợ của nhà nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung; Nâng cao chất lượng nước công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán; Áp dụng KHCN xử lý nước, quản lý cấp nước, chống thất thoát nước sạch; Tập huấn, đào tạo, thông tin và truyền thông hiệu quả; Thực hiện hợp tác quốc tế.
- Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát triển nước sạch nông thôn. Xây dựng các thể chế nông thôn dựa vào cộng đồng, HTX và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân.
Cần có sự tổng kết, đánh giá những hoạt động hiệu quả ở nông thôn, đặc biệt sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng và đảng viên, tư vấn quản lý công trình cấp nước, xử lý nước hiệu quả, sớm có những mô hình cộng đồng quản lý phù hợp với điều kiện dân sinh KTXH địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, người quản lý, vận hành gắn bó lâu bền với công việc và người dân gắn bó với nông thôn... |