Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 17.000 hộ, với 74.000 nhân khẩu là người dân tộc Khrme, chiếm 7,5% dân số trong tỉnh. Những năm qua, từ các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo xóm, ấp vùng đồng bào Khmer khởi sắc hơn.
Cụ thể, trong năm 2020 tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hơn 22 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer. Cùng với các nguồn vốn ưu đãi khác như hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề đã giúp cho hàng ngàn hộ đồng bào Khmer phát triển kinh tế.
Hiện nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Bạc Liêu đã có những đổi thay rất đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,47%, bên cạnh đó hộ khá, giàu cũng tăng theo từng năm. Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu có 359 hộ được công nhận thoát nghèo.
Anh Lâm Minh Chiến (ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), cho biết: Trước đây gia đình rất khó khăn, nhà cửa hư hỏng tháng mưa thì bị dột khắp nơi, nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ cất nhà tình thương có chỗ an cư để chí thú làm ăn.
Anh Lâm Văn Linh (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là một trong những hộ đồng bào dân tộc Khmer nuôi tôm theo mô hình thâm canh - bán thâm canh đạt hiệu quả nhiều năm liền chia sẻ: Nghề nuôi tôm hiện nay luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Muốn nuôi tôm thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cách phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi.
Có tới 7 ha nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, anh Linh nuôi tôm trong ao đất, không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng vi sinh, men vi sinh và thảo dược xử lý nước. Mật độ thả nuôi tương đối thưa, tôm thẻ từ 60 - 80 con/m2. Tôm sú từ 12 - 15 con/m2. Ngoài ra, anh Linh còn dành diện tích cho một số ao nuôi cá phi để xử lý nước, ao này cung cấp nước cho các ao nuôi tôm. Sau khi thu hoạch tôm, các ao được thả cá phi vào xử lý đáy ao.
Với mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, không sử dụng hóa chất nên tôm phát triển rất tốt. Năm nay, anh Linh nuôi 10ha với hơn 50 ao nuôi tôm (1 vụ tôm thẻ - 1 vụ tôm sú - 1 vụ tôm thẻ), tôm nuôi đang phát triển rất tốt.
Tỉnh Bạc Liêu bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế hộ cho đồng bào dân tộc Khmer còn quan tâm xây dựng các mô kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc Khmer. Điển hình như hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiến ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi có 80/90 thành viên là người dân tộc Khmer.
HTX Vĩnh Tiến được xem là đơn vị điển hình trong sản xuất hiệu quả đang lại cuộc sống ổn định cho các thành viên. Từ khi HTX được thành lập đến nay, HTX đã tìm được thị trường tiêu thụ, giá cả được ký kết rõ rang, chất lượng sản phẩm được các thành viên đảm bảo, nhờ vậy mà lợi ích thu nhập của các thành viên được ổn định hơn trước.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành cùng các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế để vươn lên.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, đã mở nhiều lớp tập huấn hỗ trợ để đồng bào dân tộc Khmer xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Bạc Liêu đã giảm đi đáng kể.