Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: Hiện nay, đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Điều kiện sống mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của địa phương. Nhiều nơi vẫn thường xuyên chịu tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu và tình hình xâm nhập mặn diễn biến nhiều hơn. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp bà con có điều kiện phát triển.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã triển khai chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dương công trình là gần 10 tỷ đồng, tại 2 huyện Long Mỹ Và Phụng Hiệp. Đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc chương trình 135 là 355 triệu đồng.
Riêng nguồn vốn của chương trình này dành cho hỗ trợ phát triển sản xuất là hơn 2,5 tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện 13 mô hình, gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và mua bán nhỏ… Số hộ hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, các xã đặc biệt khó khăn là 176 hộ.
Đây là chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chưa có kiến thức, nguồn lực để phát triển sản xuất. Đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, tạo điều kiện để họ tham gia đề án phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
"Các hộ tham gia Đề án được hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vay vốn tín chấp với lãi suất thấp. Quá trình thực hiện, các địa phương cũng có cách làm phù hợp với từng gia đình và mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các hộ vận dụng nguồn vốn hiệu quả, nhiều mô hình được nhân rộng, giúp không ít hộ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo." Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang.
Anh Danh Thi, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ là một trong những hộ dân tộc thiểu số nghèo ở địa phương. Nhiều năm qua, ngoài canh tác 3 công ruộng, hàng ngày vợ chồng anh Thi làm mướn, giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn không thể thoát nghèo. Vì 3 công ruộng trồng lúa thì chỉ đủ lo cho cái ăn hàng ngày. Còn đi làm thuê theo mùa vụ, bữa có bữa không.
Từ thực tế đó, chính quyền xã Xà Phiên tạo điều kiện để anh Thi vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Có được nguồn vốn, vợ chồng anh lên kế hoạch làm chuồng, mua 6 con heo giống về nuôi. Đồng thời, làm 2 bể nuôi lươn, anh tự đi bắt con giống ngoài tự nhiên về nuôi để giảm chi phí.
"Cuối năm 2020 vừa qua, gia đình tôi đã thoát được hộ nghèo nhờ nguồn thu nhập kha khá từ tiền lời bán heo và lươn. Tôi sẽ tiếp tục nuôi heo và lươn, đồng thời tìm tòi học hỏi các mô hình khác phù hợp với gia đình để thoát nghèo bền vững”, anh Thi vui mừng chia sẻ.
Tương tự, hộ ông Danh Thắng, ở cùng xã Xà Phiên, có con bị nhiễm chất độc màu da cam và vợ ông cũng bị bệnh thường xuyên. Vì vậy mà nhiều năm phấn đấu cũng chưa thể thoát nghèo.
Để giúp ông ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp ông vay 15 triệu đồng từ đề án hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn. Hiện gia đình ông Thắng đã có cuộc sống ổn định hơn trước nhờ thu nhập từ hoạt động chăn nuôi gà.
Tại xã Xà Phiên, năm 2020 đã có 59 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền 805 triệu đồng. Các hộ này tập trung vào phát triển những mô hình như: nuôi heo, gà, vịt, lươn, trồng rau màu.