Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà có cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về công tác xuất nhập khẩu của tỉnh trong thời gian qua và đặc biệt là các giải pháp, phương án cho năm 2023 khi mà những chính sách chống dịch của Trung Quốc bắt đầu có sự thay đổi.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đoàn Thu Hà khẳng định: Kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, tỉnh Lạng Sơn luôn chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chủ động bố trí phân ca, kíp, đảm bảo trực 24/7 với phương châm “không chỉ làm hết giờ mà phải làm hết việc”.
Thông quan khoảng 1.000 xe/ngày
Xin bà cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã những phương án gì để có thể hỗ trợ công tác thông quan, trao đổi hàng hóa cuối năm không bị gián đoạn?
Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng, các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Qua đó hoạt động này luôn diễn ra đảm bảo thông thoáng, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và đạt được hiệu suất thông quan cao nhất trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 25/PA-UBND ngày 24/5/2022 về thiết lập "vùng xanh" đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma để tổ chức triển khai thực hiện từ ngày 1/6/2022.
Tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên trao đổi, hội đàm với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc để phối hợp thực hiện công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, nâng cấp hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công Thương chủ động, kịp thời thông tin tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn về tình hình hoạt động của các cửa khẩu và các nội dung khuyến cáo để các doanh nghiệp, thương nhân được biết và chủ động trong hoạt động kinh doanh.
Một hoạt động quan trọng nữa là triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, qua đó, giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu...
Việc chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong thực hiện công tác phòng, chống dịch tại khu vực cửa khẩu, đảm bảo phù hợp với chính sách của phía Trung Quốc cũng là một trong những yếu tố tiên quyết hỗ trợ hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn thông suốt, không bị gián đoạn.
Thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là vụ thu hoạch các mặt hàng hoa quả, nông sản, đồng thời cũng gần với dịp Tết Nguyên đán của hai nước Việt - Trung, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân hai nước sẽ tăng mạnh; lượng hàng hóa xuất nhập khẩu có khả năng tăng cao và dồn về các cửa khẩu.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động trong xây dựng các phương án điều tiết hàng hóa tại các khu vực từ nội địa lên cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh tham gia hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh.
Thưa bà, với chính sách chống Covid-19 hiện nay của Trung Quốc, không tránh khỏi những vướng mắc nhất định trong quá trình giao thương hàng hóa, vậy Lạng Sơn đã có những trao đổi, phối hợp thế nào với địa phương của bạn để giảm thiểu những khó khăn này?
Tỉnh Lạng Sơn luôn chủ động trao đổi, hội đàm các cấp với phía Quảng Tây, Trung Quốc để thống nhất các biện pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên.
Chúng tôi thống nhất phương án giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu theo mô hình không tiếp xúc, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của hai bên và giao lực lượng chức năng tại cửa khẩu của hai bên thành lập các Tổ công tác thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa để kịp thời phối hợp xử lý, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Kết quả là, hiện nay, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra rất thuận lợi, hiệu suất thông quan cao, trung bình đã đạt trên 1.000 xe/ngày, trong đó xuất khẩu khoảng 450 - 500 xe/ngày.
Vậy về phía Việt Nam chúng ta, công tác của các đơn vị chức năng tại khu vực của khẩu thời gian này được thực hiện thế nào, sẵn sàng tăng cường, tăng ca ra sao để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thương của doanh nghiệp 2 nước?
Ngay từ đầu năm 2022, nhận định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh phía Trung Quốc tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách “Zero Covid”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chủ động bố trí phân ca, kíp, đảm bảo trực 24/7 với phương châm “không chỉ làm hết giờ mà phải làm hết việc”.
Các lực lượng chức năng đều bố trí đầy đủ lực lượng tại các cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, phục vụ giao thương cuối năm khi lượng hàng hóa tăng cao không kể ngày lễ, ngày nghỉ; góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân hai nước Việt - Trung.
Phải chấp hành nghiêm quy định về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói
Thời điểm này nhu cầu buôn bán, xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng. Ngoài công tác đảm bảo thông suốt ở cửa khẩu, phía Lạng Sơn có khuyến cáo gì với các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu để tránh gặp rủi ro trong giai đoạn này, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản?
Năm nay khác với mọi năm, hiện tại lượng hàng hóa chờ xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh rất ít, chủ yếu là các phương tiện chở hàng lên muộn, chờ làm thủ tục thông quan.
Tuy nhiên nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa thời điểm giáp tết sẽ có chiều hướng tăng cao, tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn phòng, chống dịch..., chấp hành nghiêm các quy định về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc giám sát vùng trồng, kiểm tra dịch hại, kiểm dịch thực vật, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và có kế hoạch đưa hàng lên khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp để vừa đảm bảo hiệu suất thông quan cao nhất, vừa góp phần bảo quản chất lượng hàng hóa tốt nhất, tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động khai báo trước thông tin trên Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh và trên các hệ thống thông quan tự động của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn; đồng thời chủ động liên hệ với các đối tác phía Trung Quốc để thực hiện giao nhận hàng hóa; sử dụng các đại lý làm thủ tục hải quan được Tổng cục Hải quan công nhận.
Đặc biệt, đề nghị các chủ hàng thực hiện giao dịch với các trung gian vận chuyển hàng hóa bằng các văn bản hợp đồng dân sự theo đúng chuẩn mực thương mại nhằm tránh các tranh chấp phát sinh.
Năm 2022, có thêm nhiều nông sản mới của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, là cửa ngõ chính cho nông sản sang thị trường bạn, tỉnh Lạng Sơn đã có những phương án, chính sách gì để đảm bảo quá trình xuất khẩu các mặt hàng này được thuận lợi, tránh gặp rủi ro dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến cả một ngành hàng của Việt Nam?
Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên, tích cực trao đổi, hội đàm với Khu tư trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc để thúc đẩy nội dung này, hướng đến tiện lợi hóa thông quan cùng với thực hiện phương thương giao nhận hàng hóa linh hoạt với thời điểm hiện nay khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát cơ bản.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu phối hợp triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp nâng cao năng lực thông quan đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu; trong đó chú trọng cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính; ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với hàng hoa quả tươi, nhất là thời điểm vụ mùa; bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực chuyên môn kịp thời tư vấn, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu...
Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương tăng cường quản lý việc cấp mã vùng trồng, mã đóng gói cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thông quan đối với mặt hàng này, vừa đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu.
Cùng với thực hiện các giải pháp thúc đẩy thông quan, Lạng Sơn tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và biên giới; huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với các khu vực liên quan.
Thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ gắn với Khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng, đồng thời nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa nói chung và tạo điều kiện cho việc xuất khẩu nông sản nói riêng.
Xin cảm ơn bà!
Năm 2022, kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp - xây dựng 24,4%, dịch vụ 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng.
Trong đó, nổi bật là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 3.100 triệu USD, đạt 56,36% kế hoạch, giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 940 triệu USD, giảm 31,39%; nhập khẩu 2.160 triệu USD, giảm 25,52%. Xuất khẩu hàng hóa địa phương ước đạt 142 triệu USD, tăng 9,23% so với cùng kỳ.