| Hotline: 0983.970.780

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai: "Thầy giáo vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng"

Thứ Tư 24/04/2019 , 18:24 (GMT+7)

Liên quan tới vụ việc nam giáo viên tin học tại huyện Bảo Yên bị tố có hành vi “hiếp dâm” học sinh lớp 8, chiều 24/4, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai. 

Phóng viên: Ông nói gì về sự việc vừa xảy ra tại Trường THCS số 2 xã Tân Thượng, huyện Bảo Yên?

Ông Nguyễn Thế Dũng: Tôi cho rằng, đây là một vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo rất nghiêm trọng. Việc này gây phẫn nộ ngay với những người như chúng tôi. Thậm chí gây bức xúc cho cả ngành giáo dục Lào Cai, với những người có lương tâm, có đạo đức. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận những việc như thế này. Đây là một việc rất đáng buồn của ngành giáo dục Lào Cai.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai

Đối với xã hội, về mặt đạo đức không ai chấp nhận được việc này. Chúng tôi cho rằng, việc này phải lên án. Một khi đã có kết luận rõ ràng của cơ quan điều tra, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Ngành giáo dục cũng đang mong mỏi cơ quan điều tra sớm có kết luận, từ đó khởi tố, xét xử vụ việc. Chỉ có như vậy, ngành giáo dục Lào Cai mới thực sự trong sạch, vững mạnh, mang lại niềm tin cho xã hội.

Nguyên nhân cụ thể dẫn tới sự việc, tôi xin không đề cập. Nhưng theo tôi, nam giáo viên là người thiếu đạo đức. Mặc dù đã được đào tạo, giáo dục thường xuyên về đạo đức trong môi trường tập thể nhưng vẫn vi phạm. Với người thầy, đạo đức là thứ luôn phải coi trọng. Vụ việc thể hiện, đây là sự xuống cấp về mặt đạo đức.

Một phần nguyên nhân, theo tôi là sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống của các em học sinh. Các em đều là người dân tộc thiểu số, khá nhút nhát trong giao tiếp, thiếu sự chia sẻ với mọi người xung quanh. Ngay cả trong gia đình các em, việc tiếp xúc, sẻ chia cũng rất hạn chế. Các thầy cô giáo cũng cung cấp các kỹ năng sống nhưng theo tôi là chưa đủ để các em tự tin giao tiếp, tự bảo vệ bản thân. Các em chưa nhận thức được việc đang làm là vi phạm pháp luật.

Trong khi, đa phần các trường có học sinh bán trú đều ở vùng sâu, vùng xa. Các thầy cô giáo thường ở xa, sau mỗi buổi dạy thì về nhà, chỉ còn 1 – 2 người ở lại trực bán trú. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em học sinh còn chưa thường xuyên, sâu sát.

Phóng viên: Tại tỉnh Lào Cai, nhiều năm qua, mô hình nội trú, bán trú đang phát huy tốt vai trò trong nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cùng với đó cũng có không ít khó khăn, bất cập. Xin ông nói rõ hơn về điều này.

Ông Nguyễn Thế Dũng: Hiện nay các trường nội trú, bán trú tỉnh rất quan tâm đầu tư. Riêng các trường bán trú cũng đã đủ điều kiện để các em sinh hoạt. Tỉnh đang tiếp tục đầu tư hệ thống nhà vệ sinh tại các trường. Đến 2020, Lào Cai phấn đấu xoá nhà tạm, xây bếp ăn tập thể cho các em học sinh. Lào Cai hiện là tỉnh đi đầu trong cả nước về đầu tư cơ sở vật chất. Riêng về các thầy cô đều có chính sách hỗ trợ trực bán trú, nội trú.

Tỉnh Lào Cai hiện có 9 trường liên cấp THCS và THPT dân tộc nội trú; hơn 60 trường bán trú. Riêng huyện Bảo Yên có hơn 1.800 học sinh tham gia bán trú.

Cũng nhờ mô hình này, chất lượng giáo dục Lào Cai ngày càng nâng cao, tỷ lệ chuyên cần của các em cũng đảm bảo hơn.Tất cả các trường hiện nay đều xây dựng bán trú tự quản. Học sinh được cùng các thầy cô tham gia quản lý. Các em giám sát, giúp đỡ nhau học tập, tham gia các hoạt động tập thể. Nhìn chung, mô hình bán trú tự quản tại Lào Cai đang khá nền nếp, hiệu quả.

Mô hình học sinh bán trú tại Lào Cai đang phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục 

Tuy nhiên, bất cập hiện nay các trường bán trú là học sinh dù ở cả tuần như nội trú nhưng chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ 50%. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn về điều kiện vật chất. Nhà nước chỉ đầu tư được những cơ sở vật chất cơ bản. Còn những cái như chăn, màn, đồ dùng cá nhân học sinh phải tuỳ thuộc kinh tế của phụ huynh.

Việc quản lý bán trú, nội trú cũng còn gặp nhiều khó khăn. Lượng học sinh đông, trong khi ít thầy cô quản lý nên không nắm bắt được hết mọi chuyện.

Tác động từ gia đình, xã hội cũng tác động rất lớn tới các em. Nhiều gia đình bố mẹ mất sớm, hay bố mẹ bỏ đi làm ăn xa thiếu người chăm nom. Gia đình gần như phó mặc cho nhà trường quản lý, dạy dỗ. Thậm chí, có gia đình giao cả con nhỏ cho anh (chị) mang tới trường học. Các thầy cô phải nuôi, chăm sóc cả em của học sinh bán trú. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đồng ý cho con cái tảo hôn, bỏ học về phụ giúp việc nhà.

Phóng viên: Thưa ông, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai tới đây sẽ phải làm gì để hạn chế những vụ việc như vừa xảy ra tại huyện Bảo Yên?

Ông Nguyễn Thế Dũng: Trước sự việc này, chúng tôi đã thường xuyên đôn đốc các nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho các thầy cô giáo cũng như các em học sinh. Rà soát những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, sau sự việc ở Bảo Yên, chúng tôi sẽ tăng cường việc này hơn nữa. Một là tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đầu tư trang thiết bị cho nhà trường.

Thứ hai là tiếp tục tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho giáo viên, học sinh, không được lơi lỏng việc này. Tăng cường dân chủ trong nhà trường hơn nữa. Học sinh, phụ huynh có thể đối thoại với giáo viên, lãnh đạo nhà trường. Qua đó, tăng cường sự giám sát của xã hội với nhà trường.

Nhà trường cần quan tâm các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 

Nhà trường cũng phải nắm bắt, quan tâm nhiều hơn tới học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các trường cũng phải rà soát lại tất cả nguy cơ gây nguy hiểm cho học sinh. Từ đó báo cáo, lên kế hoạch khắc phục những tồn tại.

Đồng thời, qua sự việc này, nhà trường cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống cho cả giáo viên và học sinh. Riêng học sinh phải giáo dục kỹ năng sớm ngày từ cấp mầm non, tiểu học… Đặc biệt, trang bị cho các em kiến thức về giới, bình đẳng giới. Làm sao để các em có thể tự phòng tránh, bảo vệ bản thân trước các mối nguy hiểm, tránh lặp lại sự việc đáng tiếc, đau buồn như ở Bảo Yên.

 

  • Tags:
Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.