| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng: Không vì khó khăn mà ngư dân đi khai thác bất hợp pháp

Thứ Tư 23/10/2019 , 16:23 (GMT+7)

Nói chuyện với ngư dân, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng, ngư dân chuyên cần bám biển nhưng phải tuân thủ những quy định trong Luật Thủy sản, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác thị sát phát triển nghề cá tại tỉnh Kiên Giang.

Ngày 23/10, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã thị sát nghề cá ở vùng biển Tây và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về triển khai Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn.

Buổi sáng, đoàn đã đi thị sát tại cảng cá Tắc Cậu, kiểm tra việc triển khai kế hoạch chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU). Sau khi đi kiểm tra một vòng quanh cảng, Phó Thủ tướng đã xuống tàu đang cập cảng, ân cần hỏi thăm từng người, động viên, chia sẻ những khó khăn mà ngư dân đang phải đối mặt.  

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên và nhắc nhở ngư dân không đi khai thác bất hợp pháp.

Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Ngư dân chuyên cần bám biển nhưng phải tuân thủ những quy định trong Luật Thủy sản, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì nếu tiếp tục vi phạm thì Liên minh châu Âu sẽ áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” đối với thủy sản Việt Nam. Khi đó, chúng ta không thể xuất khẩu thủy sản, sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân”.

Sau khi kiểm tra tại Cảng cá Tắc Cậu, đoàn đã lên tàu đi thẳng ra vùng biển Tây, kiểm tra một số mô hình nuôi biển, như: nuôi cá lồng bè, nuôi trai lấy ngọc tại vùng biển Phú Quốc…

Phó Thủ tướng thị sát hoạt động nghề cá của ngư dân tại Cảng cá Tắc Cậu.

Buổi chiều, Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại huyện đảo Phú Quốc, nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là về phát triển thủy sản và kế hoạch chống khai thác IUU.

Báo cáo với đoàn, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, do điều kiện thiên nhiêu ưu đãi, Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề cá khá phát triển, nhất là về lĩnh vực khai thác. Hiện toàn tỉnh có 9.858 tàu cá, trong đó có 3.990 tàu có chiều dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, riêng tàu có chiều dài từ 24m trở lên 618 chiếc. Các tàu khai thác hoạt động gần 20 loại nghề, trong đó có 2 nhóm nghề chính là nghề lưới kéo và lưới rê. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác của tỉnh đạt trên 450 ngàn tấn.

Về công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã có 2.932 tàu được lắp đặt xong. Đối với hệ thống quản lý chung của tỉnh, có 5 đơn vị cung cấp dịch vụ, gồm: VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel và Bình An, đã lắp đặt và đưa lên phầm mềm chung là 2.682 chiếc, trong đó 1.712 tàu đã được kích hoạt kết nối. Đối với hệ thống Movimar, đã lắp đặt cho 250 tàu có chiều dài từ 24m trở lên, nhưng chỉ có khoảng 100 tàu kết nối với hệ thống giám sát hàng ngày.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên ngư dân, đầu mối thu mua hải sản hoạt động tại cảng cá Tắc Cậu.

Về chống khai thác IUU, trong 9 tháng đầu năm 2019, tàu cá của Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là ở những vùng biển giáp ranh, chồng lấp với các nước lận cận. Cụ thể đã có 41 tàu, 440 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Tỉnh cũng đã công công khai danh sách tàu vi phạm, gửi về địa phương và tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đã nêu những bất cập trong việc triển khai Luật Thủy sản năm 2017. Cụ thể là luật đã chuyển từ quản lý tàu cá theo công suất sang chiều dài tàu và phân vùng hoạt động khai thác, quy định này vô tình đã làm tăng áp lực khai thác vùng biển ven bờ (Kiên Giang tăng gấp 2 lần). Hay như việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, quy định “trong phạm vi vùng biển tính từ mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm đến 6 hải lý”. Tuy nhiên, địa phương lúng túng chưa xác định mép nước được tính như thế nào, từ bờ của đất liền hay của đảo.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu cho Chính phủ thúc đẩy đàm phán với Chính phủ các nước trong khu vực đi đến ký kết hợp tác phát triển ngành đắt bắt hải sản hợp pháp giữa các nước. Bộ Ngoại giao tăng cường các biện pháp bảo hộ công dân đối với những ngư dân bị lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ và sớm có biện pháp đưa về nước.

Đề nghị các lực lượng đơn vị chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn, gồm: Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, Chi cục Kiểm ngư vùng 5 và Hải đoàn 28 tích cực hỗ trợ cho Kiên Giang trong việc tuần tra, kiểm soát ở vùng biển khơi và cung cấp thông tin tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng của tỉnh xử lý.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất