| Hotline: 0983.970.780

'Phối hợp đa ngành', đưa chính sách vào hành động trong phòng, chống kháng thuốc

Thứ Ba 05/12/2023 , 14:17 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại 'Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động' sáng 5/12.

Đưa chính sách đến đúng đối tượng

Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam còn nhiều điều phải làm để phòng, chống kháng thuốc trong lĩnh vực chăn nuôi; xác định từng cụm “manh mún, nhỏ lẻ” trong ngành chăn nuôi để đưa sáng kiến, ý tưởng, chính sách, khuyến nghị đến đúng cộng đồng, đối tượng bị ảnh hưởng, và cần thay đổi. 

“Hiện nay, công tác phòng chống kháng kháng sinh là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành. Tuy nhiên, không thể đơn lẻ từng ngành, từng bộ mà cần sự chung tay gắn kết của các bộ, ngành liên quan như: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và đặc biệt là các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết công tác phòng, chống kháng kháng sinh là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành. Ảnh: Linh Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết công tác phòng, chống kháng kháng sinh là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành. Ảnh: Linh Linh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức, ban, ngành trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để người chăn nuôi có trách nhiệm trong sử dụng kháng sinh điều trị bệnh cho động vật. Đồng thời, cần sự tham gia tích cực của người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y. 

Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming, Vương quốc Anh thông qua Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI360) đồng tổ chức hội nghị nhằm góp phần hưởng ứng Quyết định 1121/QĐ-TTg, ngày 25/9/2023, của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược Quốc gia phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045”. 

Tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng chưa có dấu hiệu dừng lại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và được cảnh báo ở mức độ rất quan ngại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sự lây truyền của vi khuẩn kháng thuốc đã dẫn đến việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trở nên kém hiệu quả hoặc thất bại, tác động không tốt tới lâm sàng và thậm chí dẫn tới tử vong. Đến năm 2050, ước tính có thể có tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra. 

Chống lại tình trạng kháng thuốc là cuộc chiến của tất cả các bên và phương pháp Một sức khỏe là chìa khóa để thành công. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý và hạn chế tình trạng kháng thuốc. Điều này bao gồm việc đưa ra chỉ định chính xác, hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách và theo dõi thời gian sử dụng kháng sinh.

Tuy nhiên, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không phát triển kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, công tác tổ chức các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh cần được thúc đẩy để ngăn chặn sự lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng. 

Phối hợp đa ngành hiệu quả

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Y tế cho biết, mục tiêu chung là làm chậm tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người cũng như động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Các đại biểu tham dự 'Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động' sáng 5/12. 

Các đại biểu tham dự "Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động" sáng 5/12. 

Theo ông Khuê, nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu là phối hợp hành động và đáp ứng liên ngành để phòng, chống kháng thuốc. Các bên cần phối hợp xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành; Điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành, xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng. 

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc đưa chính sách vĩ mô đến thực thi ở các địa phương là hết sức quan trọng. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế duy trì hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành chia sẻ thông tin về đề kháng thuốc sử dụng tiêu thụ thuốc kháng sinh vi sinh vật giữa bộ, ngành và các đối tác có liên quan từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá đối với lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và công thương. 

Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống kháng thuốc thông qua các kế hoạch hành động, các thành tựu nâng cao nhận thức trong nhân viên y tế, và đối tượng khác, theo dõi sử dụng kháng sinh và triển khai nhiều chương trình quản lý, phòng chống kháng thuốc. 

Tại đây, đại diện Đại sứ quán Anh cũng giới thiệu về Quỹ Fleming, được thành lập từ năm 2015 của Chính phủ Anh, chương trình trị giá 265 triệu bảng Anh xử lý hoạt động phòng chống kháng thuốc ở các nơi trên thế giới. Từ 2019, Quỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa các hệ thống giám sát kháng thuốc. Các chuyên gia, quản lý chương trình dự án đã xác định các ưu tiên trong hệ thống giám sát tại Việt Nam, phòng chống kháng kháng sinh tại người và động vật trong khuôn khổ Một sức khỏe - One health. 

Các quy định pháp luật về hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thú y đã được triển khai từ rất sớm. Bộ NN-PTNT không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 tới giờ và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi. 

Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị bệnh động vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y. Bộ cũng đã ban hành các Thông tư quy định về hướng dẫn kê đơn thuốc thú y; tài liệu hướng dẫn cách ghi đơn thuốc thú y trong điều trị bệnh động vật để hướng tới sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm trong chăn nuôi thú y. 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).