| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống thiên tai gắn xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 22/12/2020 , 14:16 (GMT+7)

Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới” vừa diễn ra tại TP Huế.

Đội xung kích phòng chống thiên tai

Theo Cục Ứng phó và Khắc phục thiên tai – Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), những năm qua, do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, Việt Nam là nước đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai. Đặc biệt, năm 2020 thiên tai đã diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền trên cả nước. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, làm 342 người chết, mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Tiến Thành.

Biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Tiến Thành.

Tính đến tháng 11/2020, cả nước có 9.973/10.572 xã thành lập Đội xung kích PCTT với khoảng 735 ngàn người (chiếm 94%). Tại Thừa Thiên - Huế, 145/145 xã đã thành lập Đội xung kích PCTT, 1 đội xung kích PCTT cấp tỉnh, 2 đội cấp huyện và 2 đội các nhà máy thủy điện.

Tuy một số địa phương lực lượng vẫn còn mỏng, kiến thức kĩ năng PCTT còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu thốn, xuống cấp; hoạt động chưa đồng đều, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhưng nhìn chung đội xung kích PCTT xã đã phát huy được vai trò lực lượng tại chỗ tham gia xử lý giờ đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả. Đặc biệt, trong những đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 vừa qua ở miền Trung, cho thấy phương châm "4 tại chỗ", mà lực lượng xung kích PCTT cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS, Đội trưởng Đội xung kích PCTT xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, do đó, xã Hòa Nhơn đã được Ban chỉ huy Trung ương về PCTT, Văn phòng Điều phối NTM TP Đà Nẵng chọn xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo an toàn điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định phòng chống thiên tai tại chỗ” theo quyết định số 5086 của Bộ NN-PTNT.

Hội nghị tập huấn 'Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới'. Ành: Tiến Thành.

Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới”. Ành: Tiến Thành.

Những năm qua, Đội xung kích của xã Hòa Nhơn đã phát huy tốt vai trò xung kích đi đầu trong thực hiện PCTT, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, góp phần vào sự đảm bảo an toàn, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế địa phương. Từ đó, cho thấy hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ nhân dân, lực lượng xung kích giúp dân trong bão lũ, âm thầm tuần tra, chốt chặn trong mưa gió đã không còn xa lạ với người dân địa phương.

Xây dựng NTM gắn với phòng chống thiên tai

Hội nghị cũng đã đề cập nhiều nội dung cơ bản của công tác phòng chống thiên tai trong xây dựng NTM; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích PCTT. Đặc biệt, việc dựng NTM và định hướng xây dựng NTM bền vững chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025; dự thảo sửa đổi bổ sung tiêu chí 3.2 vào Bộ tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu. Ảnh: Tiến Thành.

Theo TS Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng - Chánh văn Phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, bên cạnh nhưng thành quả đã đạt được thì công tác xây dựng NTM gắn PCTT thời gian qua còn gặp một số hạn chế, quy hoạch kế hoạch chưa gắn với công tác PCTT nên thiếu bền vững, bị thiệt hại nặng nề; bệnh chạy theo thành tích, nhiều phong trào NTM có chiều hướng giảm; một số tiêu chí cơ bản như thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa đạt còn thấp…

TS Tăng Minh Lộc nêu một số giải pháp nhằm nâng cao chất công tác PCTT trong xây dựng NTM cho giai đoạn tới, cụ thể: Phải lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai. Rà soát bổ sung các công trình xây dựng, chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng. Có những giải pháp phát triển nâng cao và đổi mới sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thuận thiên. Đồng thời, cần phải bổ sung nội dung chủ động về PCTT vào tiêu chí NTM cấp xã nâng cao, kiểu mẫu.

Tính đến nay, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM là Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.