Ông Hồ Văn Quý trú phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) rầu rĩ cho biết, gia đình ông có vườn thanh trà 7 sào trồng được hơn 4 năm, đang cho thu hoạch thì trong những đợt mưa lũ tháng 10 -11 vừa qua, cây bị nước lũ ngâm hơn 10 ngày, khiến hơn 80% số cây bị hư hại.
Sau khi nước lũ rút, gia đình ông Quý khẩn trương vệ sinh vườn, bơm thuốc, chăm sóc cây để cứu vãn một ít diện tích thanh trà còn sót lại. Hiện, gia đình ông Quý không chỉ đứng trước khó khăn kinh tế mà còn đối mặt với việc thiếu giống cây để khôi phục lại diện tích thanh trà bị hư hại hoàn toàn.
Phường Hương Vân có khoảng 130 ha thanh trà bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần sau lũ lụt. Hàng chục hộ trồng thanh trà ở địa phương này đang đứng trước khó khăn về việc thiếu cây giống để trồng bổ sung những diện tích bị thiệt hại.
Nằm bên dòng sông Bồ, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cũng đã có gần 60 ha rau má bị mất trắng hoàn toàn trong những đợt mưa, lũ vừa qua. Những bụi hom rau má bị ngâm thối trong nước lũ khiến làng rau khan hiếm giống tái tạo sản xuất.
Xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) được xem là “thủ phủ” rau sạch của tỉnh Thừa Thiên- Huế với 32 ha rau canh tác quanh năm của 750 hộ dân, hiện cũng đang bị thiếu hụt lượng giống rau màu để sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.
Theo ông Ngô Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, vụ đông xuân tới đây địa phương cần khoảng 3,5 tạ hạt giống rau các loại để sản xuất. Ngoài một số hộ có hạt giống dự trữ và đang tiến hành xuống giống gieo trồng thì vẫn còn đa số người trồng rau ở xã Quảng Thành đứng trước việc khan hiếm nguồn giống; trong khi đó, các đại lý phân phối giống rau trên địa bàn thường xuyên bị “cháy hàng”.
“Xã đang kết nối với các đơn vị, đại lý phân phối giống rau trên địa bàn TP. Huế để cung ứng cho người dân kịp xuống giống. HTX nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ dân trước mắt trồng cây rau ngắn ngày để kịp thu hoạch bán; đối với những vùng khác chưa xử lý xong đồng ruộng thì trồng rau dài ngày để bán gối vụ về sau”, ông Hợi cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, trận lũ vừa qua khiến 20kg đàn cá bố mẹ, 8.000-10.000 cá giống con tại Trại giống nước ngọt Cư Chánh (huyện Phú Vang) bị trôi, 15kg cá bố mẹ tại thị trấn Thuận An, 70kg ngao bố mẹ tại bãi ngang xã Phú Hải (huyện Phú Vang) cũng bị thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng...
Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên- Huế cho hay, cùng với việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc đưa vào sản xuất các giống cây ngắn ngày và triển khai trồng mới, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật, phối hợp các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và chủ động cân đối nguồn giống cây trồng, vật nuôi cho mùa vụ.
Chi cục đang tiếp tục tổng hợp thiệt hại tham mưu Sở NN-PTNT, đề nghị các cơ quan, ban ngành cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân theo quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất.
Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế hướng dẫn các địa phương một số giải pháp kỹ thuật gồm vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng, tu bổ, nạo vét kênh mương, cải tạo đất, diệt chuột sau lũ; tăng cường sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, giống mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, khắc phục kịp thời, hiệu quả để khôi phục sản xuất. Có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống vụ sắp đến cho người dân.
Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế, toàn tỉnh có hơn 330 ha rau màu, gần 170 ha sắn và nhiều diện tích trồng hoa bị ngập chìm hoàn toàn trong nước lũ. Gần 1.700 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu do mưa lũ đã làm thiếu hụt lượng giống rau màu để cung ứng cho sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021. Ngành nông nghiệp Thừa Thiên- Huế sẽ phối hợp các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý.