| Hotline: 0983.970.780

Nam bộ cần sẵn sàng ứng phó với bão, lũ và thiên tai

Thứ Tư 20/07/2022 , 10:12 (GMT+7)

Các tỉnh Nam Bộ ít bị ảnh hưởng bởi bão, nhưng vẫn cần phải có kịch bản sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có bão, lũ cũng như các thiên tai khác.

Ngập lựt ở TP.HCM do mưa lớn kết hợp với triều cường. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngập lựt ở TP.HCM do mưa lớn kết hợp với triều cường. Ảnh: Thanh Sơn.

Còn nhiều hạn chế trong phòng chống thiên tai

Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2022, vừa được tổ chức ở TP.HCM ngày 15/7, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương còn một số hạn chế cơ bản.

Việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022 và kiện toàn bộ máy Quỹ PCTT còn chậm. Đến nay, mới có 7/19 tỉnh, TP phía Nam hoàn thành kiện toàn Ban chỉ huy và 4/19 tỉnh có quyết định thành lập hội đồng quản lý Quỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nội dung chuẩn bị phòng ngừa trước mùa mưa lũ.

Trong công tác xây dựng, rà soát Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các Kế hoạch được phê duyệt chậm so với tiến độ, do vậy không có cơ sở để lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên rất khó triển khai, qua đó làm giảm hiệu quả thực hiện.

Việc rà soát phương án ứng phó thiên tai hàng năm để kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tiễn thiên tai và điều kiện ứng phó của địa phương, đặc biệt là các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện trên địa bàn (bão, lũ, ngập lụt) chưa được các địa phương chú trọng thực hiện (đến nay mới có 3/19 tỉnh hoàn thành).

Việc triển khai thực hiện ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” còn mang tính hình thức, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở. Tuy đã được 19/19 tỉnh xây dựng, song qua kiểm tra cho thấy việc trang bị dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng này còn thiếu và yếu, thậm chí ở nhiều địa phương chưa được trang bị.

Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi kinh tế và công tác duy tu bảo dưỡng đê điều, sửa chữa đê bao, bờ bao ... còn chậm.

Công tác tuyên truyền nâng cao năng lực PCTT, kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân và cộng đồng ở hầu hết các địa phương còn mang tính hình thức nên hiệu quả chưa cao.

Công tác nâng cao năng lực cho Văn phòng thường trực thông qua việc tăng cường trang thiết bị, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ ra quyết định, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trừ một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp ...

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị các tỉnh, thành phố phía Nam tập trung khắc phục các tồn tại và triển khai hiệu quả các nội dung trong tâm trong các tháng cuối năm 2022. Đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Trường hợp vượt khả năng ứng phó của địa phương, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN để được hỗ trợ.

Phải sẵn sàng ứng phó bão, lũ

Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và ATNĐ. Trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai, cho biết, khả năng ứng phó với bão của các tỉnh Nam Bộ là khá hạn chế, do khu vực này ít khi bị bão.

Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ cần phải rà soát ngay các kịch bản ứng phó với bão có thể xảy ra và phải có phương án bảo vệ các khu dân cư, các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê sông và đê biển. Ông Hoài nhấn mạnh “Mỗi khi có tình huống thiên tai xảy ra mà không có sắn các kịch bản ứng phó thì việc ứng phó, xử lý sẽ rất khó khăn, lúng túng”.

Lực lượng xung kích ở địa phương thông tin, tuyên truyền về PCTT cho người dân. Ảnh: Ban chỉ huy PCTT và TKCN Cà Mau.

Lực lượng xung kích ở địa phương thông tin, tuyên truyền về PCTT cho người dân. Ảnh: Ban chỉ huy PCTT và TKCN Cà Mau.

Chia sẻ về việc chủ động phòng chống bão và thiên tai khác, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Cà  Mau, cho biết, từ sau cơn bão số 5/1997, tỉnh Cà Mau xem việc PCTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, với chủ trương lấy phòng ngừa là chính, lấy nhân dân, chính quyền địa phương làm trung tâm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Công tác phòng ngừa luôn được Cà Mau đặt lên hàng đầu. Trong đó, kế hoạch PCTT, phương án chi tiết ứng phó với bão, ATNĐ, gió mạnh trên biển, bão mạnh, siêu bão và các loại hình thiên tai khác thường xuyên xảy ra đối với tỉnh, được xây dựng và bổ sung, cập nhật phù hợp với diễn biến thực tế của thiên tai.

"Việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo với độ tin cậy cao sẽ quyết định tính hiệu quả, chủ động trong việc đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp, tạo được niềm tin trong nhân dân", ông Nguyễn Long Hoai nói.

Trước mùa mưa bão, tỉnh Cà Mau chỉ đạo tiến hành thống kê danh sách số lượng nhà cần chằng chống, số hộ dân cần di dời; vận động người dân di dời đến nơi bảo đảm an toàn, chủ động chằng chống nhà cửa. Thường xuyên rà soát, cập nhật, kiểm đếm, giữ liên lạc với các tàu cá trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát tàu thuyền nhất là tại các cửa biển không có trạm biên phòng và trong tình huống bão, ATNĐ; tổ chức thành lập đội tàu cứu hộ, cứu nạn, các tổ hợp tác sản xuất trên biển cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, cứu nạn, phát huy cao tinh thần đoàn kết.

Đội ngũ cán bộ làm công tác hộ đê, lực lượng xung kích PCTT cấp xã ở Cà Mau được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; được đầu tư các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền được đổi mới về nội dung, hình thức, đảm bảo thông tin đến được với mọi người dân.

Tỉnh Cà Mau cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thành tích tiêu biểu, có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm tạo động lực, sức lan tỏa trong cộng đồng để tăng cường hơn nữa sự tham gia.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai

Năm nay, dự báo dòng chảy ở thượng nguồn sông Cửu Long không lớn, chỉ tương ứng báo động 1 và trên báo động 1. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL vẫn phải chủ động sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất thường, cỏ thể gây ra ngập lụt trên diện rộng.

Ở vùng Đông Nam Bộ, các đơn vị quản lý hồ chứa phải tăng cường theo dõi dòng chảy và tình hình mưa lũ, trong đó, tăng cường lắp đặt các trang thiết bị theo dõi tự động. Vận hành theo đúng quy trình; xây dựng kịch bản để ứng phó với việc xả lũ theo thiết kế, nhất là đối với TP.HCM. Rà soát các tuyến thoát lũ để đảm bảo thông thoáng dòng chảy, có phương án bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng vùng ngập lụt khi chúng ta phải xả lũ theo thiết kế.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.