Với tư duy đột phá và sự mạnh dạn trong thể hiện, nhiều bạn trẻ đã dần khẳng định sự lựa chọn con đường khởi nghiệp của mình là đúng đắn.
Đầu tháng 4/2017, Cty CP Thực phẩm sạch Thái Long chính thức ra đời, tiếp theo đó cửa hàng thực phẩm sạch Thái Long có mặt tại TP Quy Nhơn. Đây là mô hình chăn nuôi sinh học khép kín hiện đại, không sử dụng kháng sinh và thức ăn công nghiệp do các bạn trẻ ở xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) thực hiện. Mô hình được tổ chức khép kín từ khâu trồng các loại nông sản như sắn (mì), bắp, đậu nành, cây dược liệu và nuôi trùn quế; kết hợp chế phẩm EM (công nghệ cao của Nhật Bản) để lên men tổng hợp ra loại thức ăn cho gia súc, gia cầm để dễ tiêu hóa thức ăn.
GĐ Cty Thái Long - anh Võ Thái Long (bìa trái) với đàn heo sạch của mình |
Qua gần 1 năm hoạt động, đến nay, Cty Thái Long đã có 4 cổ đông với vốn gọi đầu tư 500 triệu đồng. Mô hình kinh doanh đã từng bước được hoàn thiện, tạo được “sức” cạnh tranh về dịch vụ, từng bước chuyển giao công nghệ và mở rộng mạng lưới hoạt động. Hoạt động kinh doanh của Cty Thái Long đã có nhiều tín hiệu tích cực, dòng tiền bán hàng bắt đầu đi vào ổn định với mức doanh thu khoảng 2 triệu đồng/ngày.
“Sau 1 thời gian làm thử nghiệm và hoàn thiện quy trình, bước đầu khởi nghiệp chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, luôn phải đứng trước những “ngã ba” cần phải có những lựa chọn đúng. Đến khi sản phẩm hoàn thiện và cung cấp ra thị trường thì vướng phải cái khó về giá cả và đầu ra. Để “trảy” hết những mắc míu, chúng tôi đã liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch khác trên địa bàn khắp tỉnh để thành lập chuỗi cửa hàng và đồng nhất giá bán. Hiện chúng tôi đã vượt qua khó khăn ban đầu, dần ổn định và đang trong giai đoạn “tăng tốc”, mở rộng quy mô chăn nuôi và kinh doanh”, anh Võ Thái Long, Giám đốc Cty Thái Long, tâm sự.
Quy mô trang trại của Cty Thái Long đang được mở rộng |
Có người muốn tạo “đòn bẩy” cho bước khởi nghiệp bằng cách đi lao động nước ngoài để kiếm vốn về quê làm ăn. Ví như Đào Xuân Tuấn (32 tuổi) ở thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường (huyện Phù Cát). Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn chuyên ngành Cơ khí ô tô, tìm mãi không ra công việc phù hợp, vậy là Tuấn khăn gói lên đường xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sau 3 năm đổ mồ hôi ở xứ người, cầm được trong tay số vốn liếng kha khá, về quê anh quyết định tự tạo việc làm cho mình bằng việc nuôi gà.
“Một lần tới nhà bạn chơi thấy nó có nuôi vài trăm con gà nhưng cho thu nhập ổn định. Thấy “mê” quá nên tôi quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 1.000 con gà mái thịt về nuôi trên diện tích khoảng 100m2”, anh Tuấn chia sẻ.
Đến nay, trong tay anh Tuấn đang có 6 chuồng nuôi gà đẻ, gà thịt, diện tích gần 1.000m2 với trên 5.000 con gà đẻ và 3.000 gà thịt; 1 nhà ấp trứng 200m2. Mỗi tháng trại gà của Tuấn xuất bán trung bình từ 15.000 - 17.000 con gà giống và 1.000 con gà thịt. Ngoài việc có mức thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm, trang trại gà của Tuấn còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là thanh niên địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Phong trào thanh niên khởi nghiệp sôi nổi cả ở những huyện miền núi. Ở đại ngàn An Lão nổi lên 1 cách làm không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn để giúp các thanh niên khác có việc làm, có thu nhập ổn định. Đó là cách làm của anh Trần Văn Mạnh ở xã An Hòa (huyện An Lão). Huy động nguồn vốn từ gia đình, Mạnh quyết định không “tha hương cầu thực” như phần lớn thanh niên địa phương, mà anh bám lấy đất đai của ông cha để xây dựng trang trại chăn nuôi bò, heo và trồng hồ tiêu trên diện tích 1 héc ta. Với bước khởi nghiệp ban đầu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm Mạnh bỏ vào “hầu bao” 300 triệu đồng tiền lãi ròng. Điều đáng nói hơn là trang trại của Mạnh đã tạo công ăn việc làm cho 7 bạn cùng trang lứa với mức lương ổn định 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều thanh niên Bình Định chọn ngành nông nghiệp để khởi nghiệp |
Năm 2016, Mạnh mở rộng quy mô trang trại, nâng đàn vật nuôi lên 150 con heo thịt, 10 con heo nái sinh sản, 10 bò cái sinh sản và 150 gốc hồ tiêu. Mạnh chia sẻ: “Muốn chăn nuôi đạt hiểu quả mình phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức mới, mạnh dạn đầu tư, lựa chọn và đưa vào chăn nuôi các giống vật nuôi, cây trồng mới cho thu nhập cao”.
“Khởi nghiệp chính là cơ hội trải nghiệm tốt của nhiều bạn trẻ. Tỉnh Bình Định đang có kế hoạch thành lập trung tâm và xây dựng cơ chế, chính sách về ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho các ý tưởng doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn”, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - chuyên gia chương trình tiền ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Bình Định, nhận định. |