| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 08/03/2024 , 10:32 (GMT+7)
Jong-Jin Kim

Jong-Jin Kim

Trợ lý Tổng Giám đốc FAO 10:32 - 08/03/2024

Phụ nữ: Ghi nhận và cảm ơn là chưa đủ

Lao động nữ: đã đến lúc phải ghi nhận vai trò chủ chốt của họ trong nông nghiệp - và đầu tư tăng cường vai trò đó!

Bất chấp những đóng góp đáng kể của phụ nữ cho các hệ thống lương thực - thực phẩm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rào cản đã tồn tại từ lâu, bao gồm khả năng tiếp cận hạn chế đối với nguồn lực, dịch vụ, cũng như những hành vi phân biệt đối xử trong chuỗi giá trị thực phẩm.

Khi chúng ta tập trung lại để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (IWD) của năm nay, đã đến lúc phải hành động để nhận thức đầy đủ vai trò không thể thay thế của phụ nữ trên những cánh đồng, trong các nhà máy, cũng như với vai trò là những người điều hành các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội và hợp tác xã - tất cả những nơi đang sản xuất ra những thực phẩm dinh dưỡng mà chúng ta ăn hàng ngày.

Nhưng chỉ ghi nhận và cảm ơn là chưa đủ. Ở Châu Á và Thái Bình Dương, có nhu cầu rất lớn đối với việc đầu tư tài chính để đạt được bình đẳng giới trong các hệ thống lương thực - thực phẩm. Điều này sẽ đóng một vai trò rất lớn trong quá trình chuyển - các hệ thống lương thực - thực phẩm trong khu vực - một quá trình đang diễn ra trên toàn khu vực - một sự chuyển đổi được 40 nước thành viên FAO thông qua tại Hội nghị FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức gần đây tại Colombo, Sri Lanka.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là “Đầu tư vào phụ nữ. Đẩy nhanh tiến độ”, nhấn mạnh tính cấp bách không chỉ trong việc tăng cường đầu tư mà còn phải đảm bảo đầu tư tốt hơn nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi và đạt được những kết quả bền vững hướng tới bình đẳng giới.

Trong khi tầm quan trọng của việc đầu tư vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ đã được chứng minh một cách rõ ràng thì các khoản đầu tư tài chính, đặc biệt là những khoản đầu tư hướng tới bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế và sản xuất, vẫn còn rất thiếu.

Việc thiếu đầu tư đó đã góp phần tạo ra những tiến bộ không đầy đủ trong việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và cản trở cơ hội của phụ nữ trong các hệ thống lương thực - thực phẩm. Theo số liệu của FAO từ năm 2023, bằng cách thu hẹp khoảng cách giới tính trong sản xuất nông nghiệp, cũng như khoảng cách về tiền lương trong việc làm trong các hệ thống lương thực - thực phẩm, tổng sản phẩm quốc nội của thế giới sẽ tăng thêm 1% (gần 1.000 tỷ USD).

Điều này cũng sẽ giúp giảm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu thêm khoảng 2 điểm phần trăm, tức là giảm được thêm 45 triệu người bị mất an ninh lương thực.

Vậy, chúng ta có thể cùng nhau làm gì để thu hẹp khoảng cách đầu tư tài chính nói trên? Để giải quyết câu hỏi này, chúng ta phải đánh giá kỹ lưỡng các công cụ chính sách và tài chính cả truyền thống cũng như đổi mới. Việc lập ngân sách đáp ứng về giới (GRAS) là một cách tiếp cận quan trọng, song điều cần thiết là phải ghi nhận có rất nhiều chiến lược sẵn có để đầu tư cho phụ nữ.

Chúng ta cần lắng nghe phụ nữ nhiều hơn, chúng ta cần học hỏi từ những thành công trong quá khứ của phụ nữ và tập trung vào tác động bằng cách tăng tốc đầu tư. Điều này sẽ tạo ra không gian cho các đối tác phát triển, bao gồm cả phụ nữ nông thôn và cộng đồng của họ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp lực để tạo cơ hội thực tế nhằm đạt được mục tiêu trong chương trình nghị sự 2030, trong đó bình đẳng giới là một mục tiêu then chốt.

Mặc dù việc giải quyết khoảng cách về giới rõ ràng là rất quan trọng, song những nỗ lực thúc đẩy tiếng nói và khả năng lãnh đạo của phụ nữ, cũng như giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới cũng không kém phần quan trọng nhằm đảm bảo có được các kết quả lâu dài.

FAO hành động để “lời nói đi đôi với việc làm”

Để “lời nói đi đối với việc làm”, tại trụ sở FAO ở Rome, Tiến sĩ Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO, mới đây đã công bố thành lập Văn phòng Thanh niên và Phụ nữ. Phát huy các kết quả đạt được của Ủy ban Phụ nữ, Văn phòng này sẽ tiếp tục cung cấp một “không gian an toàn” cho việc thảo luận các chủ đề ảnh hưởng đến phụ nữ tại FAO, chẳng hạn như đối xử công bằng về giới, quấy rối tình dục, cũng như các quy định về nghỉ phép chăm con của cha mẹ.

Văn phòng này cũng sẽ thúc đẩy việc vận động, truyền thông, đổi mới và tiếp cận thông qua các diễn đàn đối thoại thường xuyên nhằm kết nối hiệu quả hơn với những đồng nghiệp nữ trên toàn cầu, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề cụ thể cùng quan tâm, và học hỏi từ những thành công của FAO cũng như các tổ chức khác trong việc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc.

Điều này sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo và trách nhiệm giải trình của các nhà quản lý đối với việc lồng ghép giới thông qua sáng kiến “She Matters” (“Phụ nữ quan trọng”) nhằm thúc đẩy sự chỉ đạo mang tính chuyển đổi để trao quyền cho phụ nữ, cũng như đảm bảo phúc lợi của mọi cán bộ nữ, nữ nhân viên ở tất cả các cấp của FAO.

Trên toàn thế giới, chúng ta thấy rằng các hình thức phân biệt đối xử thường kỳ vọng phụ nữ phải đảm nhận hầu hết các công việc trông nom, chăm sóc không được trả lương, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động - cả ở nông thôn và thành thị. Trên toàn cầu, phụ nữ thường dành thời gian nhiều gấp 3,2 lần cho các công việc trông nom, chăm sóc không được trả lương so với nam giới.

Ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ này còn lên đến 4 trên 1 (4 lần). Cần có sự ghi nhận, giảm bớt và phân bổ công bằng các công việc trông nom, chăm sóc không được trả lương, cũng như các hệ thống chăm sóc tốt hơn và dễ tiếp cận hơn. Điều này sẽ giúp thúc đẩy những thay đổi căn bản để hỗ trợ các gia đình trong việc cải thiện sinh kế và phúc lợi của họ, ở nông thôn cũng như thành thị.

Nhưng chúng ta cần thực hiện bước đi quan trọng này không chỉ giới hạn ở việc khuyến khích và hỗ trợ. Chúng ta cần đầu tư phát triển các kỹ năng kỹ thuật và lãnh đạo của phụ nữ để hỗ trợ khả năng khởi nghiệp và tạo thu nhập của họ, bao gồm cả việc tạo ra và củng cố các nền tảng học tập và mạng lưới hiện có.

Chiến lược Giới và Kế hoạch Hành động Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của FAO đã xác định nhu cầu huy động sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ để chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm thông qua việc phân bổ trách nhiệm một cách công bằng. Tạo ra những không gian hòa nhập cho việc đối thoại và nêu ý kiến là yếu tố then chốt để trao quyền cho phụ nữ và định hình lại cấu trúc quyền lực ở các cấp độ khác nhau. Trong khuôn khổ các dự án thực địa, FAO hỗ trợ cho các lớp học tại đồng dành cho nông dân cũng như các hoạt động liên quan lấy phụ nữ làm đối tượng chính như một cách tiếp cận bao trùm nhằm thu hút sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ.

FAO cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương nhằm đạt được bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững. Bình đẳng giới thực sự là một nỗ lực tập thể, và tất cả chúng ta đều cần góp phần thúc đẩy đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái - một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG5).

Khi suy ngẫm về Ngày Quốc tế Phụ nữ của năm nay, chúng ta không chỉ nhận thức được những thách thức mà còn tái khẳng định cam kết hành động của mình. Chúng ta hãy đoàn kết thống nhất những nỗ lực chung, khuếch đại tiếng nói của mình, ủng hộ sự thay đổi và “Đầu tư vào phụ nữ. Đẩy nhanh tiến độ” hướng tới chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng công bằng và bền vững hơn.