Vụ việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị đại diện thi hành án đến tận cổng nhà để đòi thu hồi con dấu cho thấy chút ân nghĩa phu thê cuối cùng cũng không còn vớt vát được.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Liệu cuộc giằng co của họ sẽ leo thang đến mức độ nào, khi những người yêu mến thương hiệu Trung Nguyên đã thực sự ngao ngán về sự lời qua tiếng lại không khoan nhượng của hai nhân vật kinh doanh từng đầu ấp tay gối mặn nồng thuở hàn vi?
Dù không có chủ nhân ở nhà, thì chấp hành viên của đơn vị thi hành án vẫn… đứng trước cổng để lập biên bản về việc muốn thu hồi con dấu Trung Nguyên mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị cáo buộc chiếm đoạt. Bản chất của hành vi cưỡng chế con dấu, có phải nhằm bôi nhọ, hủy danh dự, uy tín như bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định không?
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đây là thái độ của có nhóm người ra sức ngăn chặn mình trở về Trung Nguyên. Bởi lẽ sau khi đã đưa Tập đoàn Trung Nguyên khỏi nguy cơ bị phá vỡ hệ thống phân phối quốc tế, bà Lê Hoàng Diệp Thảo "đã nhiều lần đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty.
Tuy nhiên phía Tập đoàn Trung Nguyên từ chối không nhận lại. Trên thực tế, Tập đoàn Trung Nguyên đã tự làm lại các con dấu. Lẽ ra tòa án phải ngừng giải quyết vụ kiện "chiếm đoạt con dấu" vì đối tượng khởi kiện không còn.
Vậy mà, tòa án vẫn đưa ra xét xử, sơ thẩm, rồi phúc thẩm. Sau đó là cưỡng chế thi hành án để lấy lại một vật không còn giá trị. Điều này không khiến tôi lo lắng vì mối bận tâm lớn nhất của tôi hiện tại là sức khỏe của anh Vũ".
Như một cách đáp trả, sáng 6.6, ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng – đại diện luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đến Cục thi hành án TPHCM gửi đơn tố cáo Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc, cán bộ phụ trách thi hành án vụ án con dấu của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Nội dung đơn tố cáo chỉ ra rằng Chấp hành viên Thanh Trúc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự, cụ thể là vượt quá quyền hạn làm trái công vụ để tiếp tục yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao giấy tờ, con dấu.
Đồng thời, đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý và Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra xác minh đối với Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc.
Dù chẳng mấy khi xuất hiện tại các hoạt động rầm rộ của tập đoàn cà phê Trung Nguyên, nhưng khi có sự cố liên quan đến vợ cũ thì ông Đăng Lê Nguyên Vũ lập tức đăng đàn diễn thuyết về những lẽ phải màu nhiệm trên cõi nhân gian chật chội.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không ngớt miệng than thở bản thân đã sai lầm nghiêm trọng khi cưới một người như bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm bạn trăm năm: “Một người đàn ông làm việc lớn thì cố gắng chọn vợ phải chọn cho đúng. Không thì kẹt lắm. Giới hạn của người vợ là giới hạn của người đàn ông, giới hạn họ thấp kéo xuống là mệt lắm. Họ tỉ tê từ quyền lực mềm đến quyền lực cứng, triệt tiêu hết mọi quyền lực của mình.
Trước cô lấy quyền làm vợ, quyền chức vụ, quyền cổ đông, thì giờ quyền chức vụ cực chẳng đã qua mới cắt chức cô. Cô không chịu đòi ly hôn, thôi ly hôn thì ly hôn. Từ xưa tới giờ qua nhượng bộ nhiều.
Qua nói cô có đưa cho tôi vô nhà thương điên, vô tù, dù có chết qua vẫn giữ nguyên tắc, nát Trung Nguyên vẫn phải giữ nguyên tắc vợ ra trên, trên ra trên dưới ra dưới. Cực đoan, ngoan cố, làm những chuyện không ai làm được. Cô chỉ có tu và sám hối mới hết tội”.
Tự hào đã “thông linh” có thể thấu hiểu hết mọi thứ trên đời, nhưng sự ấm ức về bà Lê Hoàng Diệp Thảo dường như vẫn còn tồn đọng đầy ứ trong lòng ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Không ai phủ nhận, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có khát vọng lớn, nhưng cái giải pháp đột phá mà người sáng lập thương hiệu Trung Nguyên đang phô diễn có chút gì hơi huyền bí. Càng ngày công chúng càng thấy rõ khoảng cách về tư duy kinh tế giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Một bên không ngần ngại hướng đến giá trị cao siêu, còn một bên bám chặt những lợi ích thực tế. Không thể nói ai đúng ai sai, ai mạnh ai yếu, ai phải ai quấy. Bởi lẽ, đồng tiền bao giờ cũng có hai mặt.
Nếu ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ có hai bàn tay trắng, thì chắc gì được đón nhận “mặc khải” của Thượng Đế như ông tự rêu rao? Nếu tài sản chung không lên đến con số nghìn tỷ đồng, thì chắc gì bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải âu lo cho những bất trắc khôn lường đang bủa vây mối quan hệ từng nồng thắm của họ? Ngay cả những người mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ gọi là “anh em thiện lành” thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo gọi là “nhóm thao túng”.
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thì “nhóm thao túng” rất sợ những hành vi phạm tội của họ bị phơi bày, nhất là khi biết rằng bà quyết tâm trở về để cứu chồng và cứu Trung Nguyên. Vì thế, họ một mặt vừa ngăn cản bà trở về, một mặt tạo ra các vụ kiện tụng để bôi nhọ bà bằng mọi chiêu trò mà vụ “cưỡng chế con dấu” là một ví dụ!
Vụ kiện giành quyền sở hữu tập đoàn cà phê Trung Nguyên giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã thu hút sự chú ý của nhiều giới, nhiều ngành. Ở đó, không có có chuyện tiền bạc cân đo, mà còn chuyện đối đãi lẫn nhau. Phiên toàn sơ thẩm, tạm thời ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định: "Đến tận lúc này, tôi vẫn giữ vững niềm tin vào chính nghĩa, lẽ phải và công lý. Cuộc sống sẽ còn nhiều lãnh đạo tốt, người tốt để giúp tôi và gia đình tôi vượt qua đại nạn này, giúp tôi tiếp tục sống, làm việc và cống hiến".
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cảm thấy bị xử ép trong phiên tòa sơ thẩm, nên gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi. Đại biểu Quốc hội - Lưu Bình Nhưỡng cũng là một địa chỉ được bà Lê Hoàng Diệp Thảo tin cậy.
Từ góc độ cá nhân, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Đơn của bà Thảo, chúng tôi đã nhận và chuyển đến đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân, đúng quy định của Hiến pháp, cũng như các luật tố tụng có liên quan, để đảm bảo tính công lý, tính công bằng và tính tư pháp của vụ án.
Thứ nhất, bà Thảo phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng và các vấn đề có liên quan đến lời khuyên của các thẩm phán. Bà Thảo cho rằng có đoạn còn lừa bà ấy để thực hiện việc hợp pháp hóa cho các vấn đề pháp lý. Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn.
Thứ hai, trong quá trình xét xử có những vấn đề bộc lộ rất rõ là không bình thường về việc đánh giá các loại chứng cứ và xác định các vấn đề về tài sản. Đối với một vụ án liên quan tới rất nhiều tài sản, nếu chúng ta không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo.
Thứ ba, điểm tôi thấy băn khoăn lớn nhất chính là “tòa án tự quyết định thay các đương sự”. Tòa án không có thẩm quyền quyết định việc “người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần”. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty.
Theo bà Thảo, thực tế hiện nay bà đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty. Tôi cho như thế là không đúng. Vì công ty không chỉ là vấn đề tài sản mà còn liên quan tới quyền lực, quyền lực này vừa thể hiện tính nội bộ, nhưng lại là một vấn đề thể hiện trước xã hội. Vậy thì bà Thảo bị tước cả danh hiệu nội bộ, tước cả ảnh hưởng của bà với xã hội và chỉ cầm tiền, như thế, câu chuyện này là lỗi của tòa án”.
Sau khi tuyên án sơ thẩm ngày 27/3/2019, vụ kiện tập đoàn Trung Nguyên chắc chắn sẽ còn kéo dài ở phiên phúc thẩm. Đại biểu Quốc hội- Lưu Bình Nhưỡng cũng dự liệu về điều này bằng sự phân tích cụ thể: “Ở đây không phải là câu chuyện bênh vực ai, mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải đứng trung lập để xem xét.
Tôi lấy ví dụ một điểm mà ai đọc đến bản án đó thì cũng thấy rất buồn cười. Không ai cho phép tòa án được phép bắt người này chỉ nhận tiền mà không được nhận cổ phần mà đây chính là tài sản của họ.
Có nghĩa là anh đã đi vượt qua tầm của Hiến pháp và các đạo luật như Bộ Luật dân sự để anh phế bỏ quyền sở hữu tài sản của một người, đó là không được phép. Tôi cho rằng, không một thẩm phán nào có thẩm quyền quyết định, không một hội đồng xét xử nào được thẩm quyền quyết định một cách ngang tai trái mắt như vậy”.