| Hotline: 0983.970.780

'Phù thủy' điều khiển cây nhãn thu hoạch quả từ tháng Giêng

Thứ Hai 10/02/2025 , 08:21 (GMT+7)

HƯNG YÊN Trong nghề canh nông, lão Hoàng Quang Tuấn được bà con ở địa phương ví như 'dị nhân' bởi nuôi con nào, trồng cây gì cũng đều thắng đậm hơn người.

"Dị nhân" bắt cây nhãn ra quả trái vụ, rải vụ

Lâu lắm tôi mới gặp lại lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Chí Minh, Khoái Châu (Hưng Yên) nhưng bộ dạng lão vẫn không có gì thay đổi, vẫn khuôn mặt quanh năm đen đúa, hai bàn tay thường xuyên chai cứng, thô ráp và dáng đi lúc nào cũng tất bật nên trông lão Tuấn già hơn khá nhiều so với độ tuổi ngoài 50. Chỉ có nụ cười của lão là luôn tự tin, hứng khởi vì với nghề canh nông, lão đã nuôi con nào, trồng cây gì đều thắng đậm hơn người.

Giống nhãn T1 của lão Tuấn cho thu quả ngay trong tháng Giêng năm nay, sản lượng đạt 2 - 3 tấn. Ảnh: Hải Tiến.

Giống nhãn T1 của lão Tuấn cho thu quả ngay trong tháng Giêng năm nay, sản lượng đạt 2 - 3 tấn. Ảnh: Hải Tiến.

Trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản, người ta chỉ thâm canh được năng suất 500 - 600kg cá/sào (360m2), riêng lão Tuấn đạt tới 2.000kg cá các các loại trên cùng diện tích ao, mùa vụ và thời gian nuôi thả. Hay trong chuyên canh cây bưởi, nhiều người phải chặt bỏ cả vườn vì canh tác không có lãi thì lão Tuấn lại mua những cây đó, mang về cắt bớt cành, rễ cho trẻ lại tuổi sinh lý, rồi trồng giâm, ghép cải tạo giống mới cho năng suất, chất lượng và giá trị thu hoạch rất cao.

Thâm canh cây nhãn cũng vậy, vườn của lão Tuấn thường cho thu nhập gấp 2 - 3 lần so với các hộ khác cùng khu vực. Đặc biệt mới đây, lão Tuấn còn thành công rải vụ thu hoạch nhãn từ tháng 1 tới tháng 9 âm lịch.

Giống nhãn T6 sẽ cho thu hoạch vào tháng 3 âm lịch. Ảnh: Hải Tiến.

Giống nhãn T6 sẽ cho thu hoạch vào tháng 3 âm lịch. Ảnh: Hải Tiến.

Theo đó, trên diện tích gần 1ha (400 gốc) nhãn các loại, từ tháng 2 đến 7/2025, lão Tuấn dự kiến sẽ có khoảng 25 tấn nhãn nghịch vụ cung ứng ra thị trường. Thật ra, việc cho cây nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ không phải là mới lạ, điều đáng nói ở đây là trong điều kiện mưa bão khắc nghiệt (tháng 9/2024) vừa qua, lão Tuấn vẫn điều khiển cho cây nhãn ra hoa, giữ được quả vượt qua nhiều ngày mưa rả rích để có sản phẩm cho thu hoạch vào rằm tháng Giêng (sau Tết Nguyên Đán), điều này mới được coi là kỳ tích.

Hơn nữa, nếu như những năm trước, một vài nhà nông ở Hưng Yên chỉ thành công cho giống nhãn T2 ra quả trái vụ thì niên vụ 2024 - 2025 này, lão Tuấn điều khiển được hầu hết các giống nhãn cho hoa, đậu quả nghịch vụ như T1, T6, siêu ngọt, nhãn lồng, hương chi, cùi cổ, chín muộn Khoái Châu, Ánh vàng 205, bao gồm cả giống T2. Riêng giống nhãn muộn Miền Thiết từng được nhiều người khuyến cáo không thể cho ra hoa nghịch vụ nhưng lão Tuấn vẫn làm được điều ngược lại, tức cho ra hoa trái vụ.

Trà hoa nhãn này đang nhú quả. Ảnh: Hải Tiến

Trà hoa nhãn này đang nhú quả. Ảnh: Hải Tiến

Theo chân lão Tuấn đi thăm khắp nhà vườn, thấy bên cạnh khu vườn hàng trăm cây bưởi quả sai lúc lỉu là vườn cây, ao cá với nhiều giống nhãn khác nhau, có giống sắp cho thu hoạch, có giống quả đang xanh, vừa nhú quả, đã bung hoa, hoa sắp nở, giò hoa vừa vươn cao, giò hoa mới nhú hoặc đang phân hoá mầm hoa. Tất cả đều hứa hẹn một vụ thu hoạch chắc thắng vì hầu hết diện tích gần 1ha các giống nhãn của lão Tuấn đều là các giống đặc sản và đều điều khiển cho thu quả nghịch vụ nên luôn được giá cao gấp 3 – 5 lần quả nhãn chính vụ.

Nói về bí quyết cho cây nhãn ra hoa, đậu quả rải vụ/trái vụ, lão Tuấn cho rằng, con người, vật nuôi và cây trồng đều có điểm chung là những thực thể sống trong cùng môi trường tự nhiên, cùng chịu sự tác động của những điều kiện tự nhiên đó. Để tồn tại, mỗi thực thể này đều có các đặc tính sinh học riêng để thích ứng với các điều kiện của môi trường sống, riêng con người còn biết tư duy chinh phục muôn loài.

Giống nhãn chín muộn Khoái Châu được điều khiển cho ra hoa trước Tết Nguyên Đán. Ảnh: Hải Tiến

Giống nhãn chín muộn Khoái Châu được điều khiển cho ra hoa trước Tết Nguyên Đán. Ảnh: Hải Tiến

Theo đó, để điều khiển cây nhãn ra hoa, đậu quả nghịch vụ, phải theo dõi, nắm vững được các đặc tính sinh lý, đặc tính thực vật học của từng giống cây trồng và quy luật biến đổi của thời tiết, khí hậu các năm mới có thể tác động đúng lúc, đúng cách cho cây ra hoa, đậu quả vào một thời gian cụ thể nào đó.

Ví dụ, về đặc điểm thời tiết, cần tránh tác động cho cây nhãn ra hoa vào các tiết khí Cốc vũ, Kinh chập vì dễ bị mưa lớn hoặc sâu bệnh bùng phát gây hại. Về giống, với giống nhãn T6, muốn cho ra hoa nghịch vụ vào khi nào thì trước đó 35 ngày tiến hành khoanh mở các cành cấp 2 tại vị trí cách gốc cành 15 - 20cm, vết khoanh rộng chừng 2mm, sau khoanh cành khoảng 10 ngày tưới chế phẩm Kaliclorat (KClO3) quanh gốc cách hình chiếu tán cây khoảng 0,3m vào phía trong, 25 - 30 ngày sau cây sẽ bung hoa rộ.

Trồng nhãn trên nấm đất cao được coi là một trong các giải pháp khoa học. Ảnh: Hải Tiến.

Trồng nhãn trên nấm đất cao được coi là một trong các giải pháp khoa học. Ảnh: Hải Tiến.

Lưu ý, sau khoanh cành phải dừng tưới nước và bón phân. Tuỳ từng giống, tuổi cây, thực tế sinh trưởng cây và điều kiện thời tiết tại thời điểm để điều chỉnh thời điểm khoanh cành, cách khoanh và nồng độ KClO3 tưới gốc cho phù hợp.

Việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cho cây nhãn từ sau nhú quả cũng tương tự như vườn nhãn lấy quả chính vụ, như căn cứ vào tình hình sinh trưởng của cây, sản lượng quả sẽ cho trên cây... để điều chỉnh liều lượng phân bón cho cân đối, trong đó cần tăng cường bón lân qua gốc và bón NPK qua lá cho cây ngay sau khi đậu quả. Đồng thời ưu tiên bón nhiều phân hữu cơ vi sinh để khôi phục quần thể vi sinh vật đất bị hao hụt do dùng Kaliclorat xử lý nhãn ra hoa.

Để cây nhãn không bị "đuối nước trên cạn"

Kinh nghiệm của lão Tuấn cũng cho thấy, thâm canh nhãn ở đồng bằng sông Hồng nên đắp nấm trồng cao cây giống, kết hợp cắt tỉa, tạo tán hợp lý để tránh đổ ngã cây khi gặp mưa bão lớn. Cách làm này giúp phần lớn rễ tơ của cây ăn nổi trên mặt vườn (trong nấm đất), dễ chăm bón và điều khiển cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn.

Mặt khác, cây nhãn thường hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí bao quanh các rễ tơ, việc đắp nấm đất cao sẽ giúp không khí lưu thông trong rễ nhãn dễ dàng hơn, giúp cây tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, đặc biệt là chống úng cục bộ, vì bị úng cục bộ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh trưởng, phát triển của cây nhãn.

Cha và con lão Tuấn trong vườn nhãn siêu ngọt trái vụ. Ảnh: Hải Tiến.

Cha và con lão Tuấn trong vườn nhãn siêu ngọt trái vụ. Ảnh: Hải Tiến.

"Việc đắp nấm trồng nhãn đặc biệt có ý nghĩa với các nhà vườn trên nhãn - dưới cá, bởi khi làm vệ sinh ao, các hộ thường trục vớt bùn đổ lên vườn. Nếu các gốc nhãn trồng ngang mặt vườn hoặc trên luống đất không đủ độ cao, nước và bùn sẽ bít chặt lỗ thở của rễ nhãn, gây úng cục bộ, làm cho cây bị ảnh hưởng xấu không khác người bị đuối nước trên cạn.

Với những vườn nhãn trồng trên mô đất cao, không chỉ tránh được úng cục bộ mà khi bùn ao khô, xới lên đắp vào gốc nhãn có thể ví như bón thêm lượng lớn phân hữu cơ sinh học, giúp cây trồng phát triển cân đối, giảm sâu bệnh, giảm chi phí bón phân hoá học, tăng hiệu quả sản xuất", theo lão Tuấn.

Lão Tuấn dí dỏm: "Người tôi cũng có thể điểu khiển cho sinh con như ý muốn". Cứ nghĩ lão nói đùa, không ngờ khi còn ở tuổi suýt soát 50, vợ lão vẫn tiếp tục sinh thêm bé trai.

Xem thêm
Chàng trai người Thái làm giàu nhờ nuôi gà Mông đen

Điện Biên Với đàn gà Mông đen 1.000 con nuôi thả mỗi lứa, chàng trai người Thái ở bản Co Luống (xã Mường Phăng, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên) lãi 200 triệu đồng.

Quảng Trị phát hiện thêm 9 con trâu chết

QUẢNG TRỊ Xác 9 con trâu được phát hiện thêm, nâng tổng số trâu chết lên 29 con. Ngành thú y dùng kháng sinh điều trị đàn gia súc vùng có nguy cơ cao.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất