| Hotline: 0983.970.780

Phủ xanh đồi dẻ nơi biên cương

Thứ Hai 30/10/2023 , 23:02 (GMT+7)

Lạng Sơn Nhờ sự giúp đỡ của UBND xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa, gia đình chị Hứa Thị Vụ ở thôn Co Khuất có thu nhập đến 100 triệu đồng/năm.

Theo chị Vụ, cây dẻ rất hợp với thổ nhưỡng xã Thanh Lòa.

Theo chị Vụ, cây dẻ rất hợp với thổ nhưỡng xã Thanh Lòa.

Cách đây khoảng chục năm, tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Cao Lộc nói riêng có chủ trương xây dựng mô hình thí điểm, trồng thử giống dẻ mới. Lúc bấy giờ, gia đình chị Hứa Thị Vụ ở thôn Co Khuất, xã Thanh Lòa, ngoài việc làm ruộng vẫn tăng gia bằng một số cây ăn quả như hồng, vải, mận. Tuy nhiên, vì giống không hợp đất nên thu hoạch không đáng kể.

Nhờ sự hỗ trợ của UBND xã và Đồn Biên phòng Thanh Lòa, gia đình chị Vụ quyết tâm trồng thử giống dẻ mới. Chỉ sau vài vụ chăm sóc, dẻ sinh trưởng tốt và bắt đầu bói quả. Kích thước hạt dẻ lớn, không kém hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng là bao.

Nhận thấy đây có thể sẽ là giống cây giúp kinh tế gia đình phát triển bền vững, chị Vụ tiếp tục đẩy mạnh, chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang dẻ. "Tôi đã tham khảo kỹ các quy trình và nhận thấy, dẻ khá hợp với điều kiện nơi đây. Cây này sức chịu hạn tốt mà chăm sóc cũng dễ, không kì công như cây vải, cây hồng", chị chia sẻ.

Những ngày đầu mới rao bán, gia đình chị phải đi chào hàng ở khắp nơi. Thường thì chị bỏ ra khoảng 4, 5 cân rang hoặc đặt lên bàn uống nước của du khách. Khi thấy ngon, khách sẽ đặt hàng hoặc điện thoại lại cho chị. Đến nay, gia đình chị đã trồng khoảng 1ha dẻ, trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được khoảng 8 tạ đến 1 tấn hạt dẻ, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Đồi dẻ giúp gia đình chị Vụ có thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Đồi dẻ giúp gia đình chị Vụ có thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Thanh Lòa là xã đầu tiên của huyện Cao Lộc trồng cây dẻ từ năm 2008, với diện tích ban đầu khoảng 4ha. Anh Triệu Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lòa cho biết, hàng năm cán bộ xã đều tích cực tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, đến nay, toàn xã đã có 15ha dẻ, với khoảng 50 hộ trồng, sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 3,5 tấn. 

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, người dân các xã khác cũng chủ động đưa cây dẻ vào trồng. Hiện nay, diện tích cây dẻ của toàn huyện Cao Lộc vào khoảng gần 30ha, trong đó, 10ha đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã như Thạch Đạn, Lộc Yên, Hải Yến. Sản lượng dẻ hàng năm toàn huyện đạt từ 50 đến 60 tấn.

Để có thành quả như hôm nay, bên cạnh nỗ lực của chị Vụ, UBND các cấp, không thể không kể tới sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Thanh Lòa. Trong lúc chăm sóc và khi thu hoạch, đơn vị luôn bố trí cán bộ, chiến sĩ đến tận nơi phụ giúp gia đình.

Theo Thượng tá Lục Văn Moong, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Lòa, đồn thường xuyên sâu sát, gần gũi với bà con nhân dân. Từ những mô hình cho hiệu quả kinh tế rõ nét như trồng cây dẻ, đơn vị sẽ xây dựng cái kế hoạch, báo cáo các cấp, các ngành chung tay góp sức để hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế.

"Nếu người dân tìm ra những hướng đi giúp phát huy thế mạnh của địa phương, Đồn Biên phòng Thanh Lòa luôn cam kết phối hợp để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả", ông bộc bạch.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa giúp dân làm đường và các công trình dân sinh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa giúp dân làm đường và các công trình dân sinh.

Không thể ngày một ngày hai mà những hoạt động của đơn vị có thể đi vào thực chất. Do đó, Đồn Biên phòng Thanh Lòa chủ trương phối hợp cán bộ cơ sở để cập nhật và phổ biến những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ để họ thâm nhập địa bàn, cũng như dễ dàng nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. Đó là cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa giữ vững an ninh quốc phòng.

Báo cáo năm 2022 của UBND xã Thanh Lòa cho thấy, mỗi năm xã đều chủ trì, phối hợp tổ chức 1 - 2 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây dẻ. Năm 2021, Phòng NN-PTNT huyện Cao Lộc còn triển khai thực hiện mô hình “Trồng và chăm sóc cây dẻ” tại thôn Co Khuất, xã Thanh Lòa với 11 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón và các kỹ thuật canh tác.

Sau một năm triển khai, cây dẻ sinh trưởng phát triển tốt (tỷ lệ sống đạt 95%). Cùng với đó, năm 2021, người dân xã Thanh Lòa thực hiện mô hình chăm sóc cây dẻ theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích khoảng 6ha, giúp tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cao Lộc khẳng định, phòng đã phối hợp với UBND xã Thanh Lòa xây dựng sản phẩm hạt dẻ của HTX Nông sản Thanh Lòa đạt tiêu chuẩn OCOP, từ đó, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững cho bà con.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.