LTS: Thái Sinh là bút danh quen thuộc với bạn đọc xa gần trên báo Nông nghiệp Việt Nam và văn đàn lâu nay. Ông tên thật là Nguyễn Đình Sinh, hiện ở Yên Bái. Trải qua nhiều ngành nghề công tác trước khi đến với Báo Nông nghiệp Việt Nam, dù nay đã ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn là cây bút miệt mài với nhiều mảng đề tài được bạn đọc yêu mến.
Loạt bài gửi riêng cho "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt" này khắc họa chân dung các nhà thơ vừa chan chứa tính nhân văn vừa thấm đượm nét hoang dã đáng yêu của những con người sinh ra trên núi và lớn lên với rừng. Họ là bạn văn của nhà văn, nhà báo Thái Sinh.
Thơ và rượu là hai điều không thể thiếu đối với Pờ Sảo Mìn. Thơ của anh là khúc ca hoang dã của núi rừng…
Có một dạo tôi với Pờ Sảo Mìn cùng công tác ở Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn từ năm 1985 - 1990, trước khi Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Khi đó tôi là tác giả trẻ còn Pờ Sảo Mìn thì đã nổi tiếng với bà thơ "Cây hai ngàn lá".
Hồi ấy Pờ Sảo Mìn vừa tốt nghiệp khóa II Trường viết văn Nguyễn Du, tôi cùng anh ở khu tập thể cơ quan. Nói thế cho oai, Hội Văn nghệ làm gì có nhà tập thể, chúng tôi đều ở ngay trong phòng làm việc của mình, nấu nướng bằng bếp dầu, cũng có khi bằng củi, căn phòng khói mù mịt, tường nhà đen nhẻm. Văn nghệ Hoàng Liên Sơn ngày đó nội tình phức tạp lắm, ba tháng mới ra một số nên mọi người chẳng có việc gì làm. Pờ Sảo Mìn luôn mất hút, khi nói anh về Mường Khương, khi nói anh đang ở Hà Nội. Hôm nào anh ở cơ quan là tôi thấy anh xách chân giò lợn về rồi mời bạn bè uống rượu tít mít.
Sống với anh thời gian không lâu, sinh ra từ núi rừng nên Pờ Sảo Mìn là con người phóng khoáng và tự do. Ngồi đối diện uống rượu với anh, tôi có cảm tưởng anh là mảnh vỡ của núi đá Mường Khương, xù xì, gân guốc và bất cần đời. Mảnh núi đá thô nhám ấy được ủ lâu ngày trong hũ rượu khổng lồ được cất bằng ngô núi đá và men lá rừng Mường Khương. Bởi lúc nào người anh cũng bốc mùi rượu, Pờ Sảo Mìn chỉ là Pờ Sảo Mìn khi anh uống rượu, một người giảo hoạt, tinh ranh và khi đó anh đọc thơ tràn cung mây. Khi không uống rượu, nom anh lầm lì, áo quần lôi thôi như vừa dắt đàn ngựa thồ từ trên nương trở về. Còn nhớ những đêm tháng bảy mưa ngâu, anh ôm cây đàn ghi ta đánh những bản nhạc dân ca thì tôi không thể tin rằng Pờ Sảo Mìn từng là đứa trẻ chăn ngựa.
Sinh vào lúc nửa đêm ngày 1/1/1946 tại thôn Na Khui, xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai dưới chân rừng cấm Cốc Chứ, cái tên Pờ Sảo Mìn dịch từ tiếng Pa Dí có nghĩa là Bạch Thiếu Minh. Ngoài ra cha mẹ còn gọi anh với những cái tên khác: Pờ Seo Cáo nghĩa là Bạch Tiểu Cao, Pờ Seo Mả nghĩa là Bạch Tiểu Mã.
Pờ Sảo Mìn tự nhận: "Tôi chỉ là con gà rừng - Trên triền núi cao hoang vu - Uống sương mù và ăn sỏi đá - và tiếng gáy chẳng còn ai xa lạ - Te..te...te...". Đó là tiếng hát của rừng xanh được kết tinh từ một nền văn hóa đa dân tộc, mà anh là đại diện ưu tú của dân tộc Pa Dí.
Không biết cái tên Bạch Tiểu Mã có vận vào đời anh hay không, nhưng theo lời anh kể, năm 1958 nghĩa là khi ấy mới 12 tuổi anh được chọn làm người giám mã, trông ngựa cho UBND huyện Mường Khương và làm liên lạc đưa thư từ, công văn tới các thôn làng. Bạch Tiểu Mã cưỡi trên lưng con ngựa lông hung hung đỏ phóng như bay trên các sườn núi gập ghềnh đèo dốc, qua những rừng cây rậm rạp để mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới các thôn làng. Thật khó mà tưởng tượng nổi nếu không có sự đào tạo của Đảng, Nhà nước thì khó có một Pờ Sảo Mìn từ một người chăn ngựa, làm liên lạc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh bảo: Đó là con đường đầy gian khó mà tôi đã phấn đấu suốt cả đời mình.
Lại nói chuyện Pờ Sảo Mìn ngồi bóc lịch hơn ba tháng trong trại tạm giam Km8 Yên Bái, đó là năm 1988, hay 1989 gì đó, nghe người ta nói anh bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Cái tin Pờ Sảo Mìn bị bắt do làm gián điệp chấn động giới văn nghệ sĩ, còn tôi thì chẳng tin. Người uống rượu tối ngày như Pờ Sảo Mìn có giữ kín được chuyện gì đâu mà làm được gián điệp? Anh bảo: Người ta nghi tôi mang tài liệu bán cho Trung Quốc, Nghị quyết của Đảng đăng báo công khai sáng choang như ban ngày chứ họ thèm gì mua của tôi…
Rồi anh được tha sau 96 ngày đêm ngồi trong nhà đá, sau đó người ta cho anh nghỉ hưu, năm đó anh mới 44 tuổi. Trở về Mường Khương, Pờ Sảo Mìn vẫn là Pờ Sảo Mìn ngày xưa lên nương cuốc đất trồng ngô, đào ao thả cá, uống rượu và làm thơ.
"Dân tôi chỉ có hai ngàn người,
Như cái cây hai ngàn chiếc lá".
Đó là lời mở đầu của bài thơ "Cây hai ngàn lá", Pờ Sảo Mìn đã tự hoạ và ví dân tộc Pa Dí của mình chỉ hai ngàn người giống như cái cây có hai ngàn chiếc lá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng". Một cái cây nhỏ nhoi trong muôn rừng cây, nhưng không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. "Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng - Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình". Hay Pờ Sảo Mìn tự họa về dân tộc mình với những đường nét chắc khỏe: "Dáng trai trần trong mặt trời nắng cháy - Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày - Con gái đẹp trong giá buốt đông sang - Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng". Hoặc là hình ảnh một dân tộc cần cù chịu khó như cây rừng kiên gan bám đất để chống chọi lại với giông bão, giá rét, mưa sa nơi khí hậu miền núi cao đầy khắc nghiệt: "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng - Chặn suối ngăn sông, bắt nước ngược dòng".
Pờ Sảo Mìn làm thơ rất sớm, những bài thơ cất trong ngăn cặp trong những ngày học ở Trường bổ túc công nông (1960 - 1965), rồi khi là lưu học sinh Việt Nam tại Tiệp Khắc (1966 - 1972), nhưng bài thơ đầu tiên anh công bố là bài "Cây ống khói", một cái cây không cành không lá nhưng nở hoa khói. Với cái nhìn giản dị của người vùng cao, Pờ Sảo Mìn đã phát hiện được cái chất thơ trong "Cây ống khói" chứa "đầy nhựa lá xanh - sức sống của ngàn, trăm triệu người thợ". Một bài thơ mộc mạc nhưng giàu sức tưởng tượng báo hiệu sự ra đời của một nhà thơ miền núi - đại diện tiêu biểu của dân tộc Pa Dí với lối biểu cảm giản dị của một con người đậm chất núi rừng: "Người trai rừng mang lứa tuổi hai mươi - Cây ống khói chạm trời - Bàn tay người vuốt thẳng". Bàn tay người vuốt thẳng cây ống khói chạm trời, đấy là Pờ Sảo Mìn ngang tàng như đá núi, phiêu dạt như mây ngàn.
Nếu tước bỏ cái vỏ sần sùi, ngây ngô bên ngoài của thơ Pờ Sảo Mìn thì hiện rõ một nhà thơ dân tộc thiểu số vô cùng độc đáo, vô cùng sắc sảo và hiện đại trong số những nhà thơ dân tộc thiểu số hiện đại nhất trên thi đàn Việt Nam hôm nay. Mỗi bài thơ của anh như một phát hiện mới về con người, cuộc sống nơi miền núi cao đầy gian khó, nhưng rất đẹp.
Đó là cô gái Mông "Sinh ra ở vùng rừng hoang dã - Mắt em xanh mơ màng mắt lá", nhưng khi cô gái chơi bản nhạc Ba Tư thì như dắt người nghe phiêu diêu theo dấu chân lạc đà qua những miền sa mạc cát bỏng, vào trong những lâu đài cổ kính muôn sắc màu óng ánh "Khúc đàn xanh phiên chợ - Nhân loại yêu nhau khi đã hiểu bài ca" (Cô gái Mèo và bản nhạc phiên chợ Ba Tư).
Đó là Dín, cô gái xinh của Mường "Tay em múa mọc ra ngô lúa - Chân em đi ngút ngàn nương ngô - Miệng em ca ấm cửa ấm nhà" (Xuân về thăm vợ).
Đó là những chàng trai ép đá xanh thành rượu, khi Tổ quốc gọi họ lên đường ra mặt trận: "Bản nhỏ tôi chỉ có năm nhà" nhưng lại có sáu người con trai ra mặt trận "Ra chiến trường cứ như đám cưới - Ba ngày uống rượu mừng - Say nghiêng rừng, nghiêng núi - Bảy ngày uống rượu vui - Say nghiêng đất nghiêng trời". Chiến tranh kết thúc cả sáu người không trở về khiến "Sáu gái xinh chờ mòn chân thang", "Hôm qua bản săn được thú núi - Chia đều cho năm nhà - Có cả sáu phần người ra trận" (Chim mi)...
Pờ Sảo Mìn tự nhận mình là con gà rừng báo hiệu bình minh trên núi cao, nhưng người Pa Dí thì gọi anh là con họa mi hoang dã, con họa mi của dân tộc Pa Dí nơi núi rừng Mường Khương, con họa mi chỉ hót tiếng hót của lòng mình giữa muôn ngàn rừng cây, dù rằng cuộc đời của anh đã "Ba lần rơi hố". Mỗi lần rơi hố là mỗi lần anh nhận ra chân lý cuộc đời.
Thơ Pờ Sảo Mìn ít vần điệu nhưng giàu sự liên tưởng, giống như người đi trong rừng cứ miên man hết suối rồi khe, hết rừng lại tiếp rừng muôn hình vạn trạng của trời mây, cây cỏ: "Mắt em đen láy - Đỉnh núi ao trong - Đôi mắt em tròn - Một vành trăng tỏ - Đôi vai em nhỏ - Gánh việc cả Mường? (...) Đêm hát bên em - Trái đất quá nhỏ - Em như cao nguyên - Hiện lên màu mỡ" (Hát bên em).
Không bắt chước bất cứ một nhà thơ dân tộc thiểu số nào trong nước hay ngoài nước, Pờ Sảo Mìn làm thơ từ sự thôi thúc của nội tâm như thể tự vấn mình về lẽ sống ở đời với những điều tưởng như rất vô cớ và dớ dẩn: "Lạch chảy từ đâu? và suối chảy về đâu?", " Đá ơi! Đá ăn nằm cùng đất bao giờ? - Đất già cỗi mà đá vẫn còn non - Nên cái tên đá xanh muôn thuở vẫn còn"...
Thơ của Pờ Sảo Mìn với một giọng điệu rất riêng, như tiếng hót của loài chim hoang dã, cất lên từ sâu thẳm của hồn mình. Pờ Sảo Mìn có một giọng thơ rất riêng, rất hiện đại, tự mình khai phá con đường thi ca của mình để làm nên một diện mạo nhà thơ miền núi không lẫn với bất cứ ai. "Người ba tầng", "Tên riêng của của đá", "Mái nhà xưa", "Mắt lửa", "Tảng đá xanh sinh nhánh hoa ban"... là những bài thơ mang nhiều triết lý nhân gian về lẽ sống đời người, về kiếp người trong luân hồi của vũ trụ. Sự hiện đại của thơ Pờ Sảo Mìn trong cảm xúc, trong cách thể hiện rất độc đáo của nhà thơ miền núi gắn liền với rừng cây, đá núi, với rượu và hoa... nhưng đằng sau mỗi câu thơ là sự suy ngẫm về đời người:" Cuộc đời - Có vị ngọt mật ong núi đá - Cuộc đời - Có vị cay quả ớt chỉ thiên - Cuộc đời - Có vị nồng say từ trong men lá - Cuộc đời - Có cả vị mặn chát mồ hôi - Và... -Cả vị tanh của máu".
Cho đến nay anh đã có trên chục tập thơ in chung và in riêng: "Cây hai ngàn lá", "Mắt lửa", "Bài ca hoang dã", "Con trai người Pa Dí", "Cung đàn biên giới", "Bài ca đẹp nhất trần gian"... Lên Mường Khương, tôi lại cùng anh ra cái quán xập xệ bên đường ngồi uống rượu. Anh bảo: Hội Nhà Văn Việt Nam gợi ý mình lập hồ sơ đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước. Mình đang tập hợp các tác phẩm, trước mắt trong năm nay phải hoàn thành hai tập: Tôi và bạn bè, bạn bè và tôi, và Tự hát một đời văn. Khi đã chếnh choáng say, anh bảo: Tao vừa làm xong mấy bài thơ, bây giờ đọc cho mày nghe nhé… Anh làm thơ, đọc thơ cả trong những khi say khướt. "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng - Chặn suối, ngăn sông, bắt nước ngược dòng ... Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Như cái cây hai ngàn chiếc lá"...