Hoạt động PR (tạm dịch: quan hệ công chúng) không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh doanh.
Năm 2006, nhân viên Cty truyền thông (PR) Ketchum phải bay tới thủ đô Matxcơva (Nga) để bảo toàn một “phi vụ” tính tới thời điểm đó có giá trị hàng chục triệu USD, theo New York Times (Mỹ).
Tổng thống Nga Valdimir Putin được nói là đã thuê Ketchum tư vấn về chuyện PR trước khi Nga chủ trì hội nghị G-8 tại St.Petersburg. Lúc đó, ông Putin “quan tâm rất nhiều đến việc lãnh đạo các nước nghĩ gì về ông ta”, Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga nói với New York Times.
Ông Putin trở thành nhân vật của năm 2007 trên tạp chí Time (Mỹ) Ảnh: Time
Ketchum, một nhánh của Cty quảng cáo và tiếp thị danh tiếng Omnicom, giờ như bước trên thảm trải hoa, cho dù quy mô của chi nhánh này khá nhỏ. Nó từng có hơn 30 nhân viên đóng tại ít nhất 6 quốc gia có mối quan hệ với Nga.
Nhưng theo Kathy Jeavons, đối tác của Ketchum tại Washington - Mỹ, người phụ trách mảng Nga, Ketchum giờ đã cắt giảm nhân sự còn khoảng 10 người với lý do “môi trường toàn cầu” trở nên khó khăn. Và theo Jeavons, thỏa thuận làm đại diện cho Cty dầu khí nhà nước khổng lồ Gazprom (Nga) tại Mỹ của Ketchum gần đây cũng bị phá bỏ do Gazprom đã quyết định tập trung vào thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, quan hệ của Ketchum với chính phủ Nga còn rất chặt chẽ. Nhiệm vụ của họ giờ đây, theo Jeavons là thúc đẩy đầu tư vào Nga.
Ketchum không phải là Cty duy nhất trong lĩnh vực PR quốc gia và chính trị. Trong năm 2011, Cty PR ở Washington là Brown Lloyd James đã dàn xếp để đưa bài về Asma al-Assad, vợ tổng thống Syria Bashar al-Assad lên tạp chí Mỹ nổi tiếng Vogue. Bài viết có tựa đề “Một bông hồng trên sa mạc” sau đó bị lột khỏi website của tạp chí Vogue do cuộc khủng hoảng Syria.
Một Cty khác, Sanitas International, đại diện cho cả Abdullah Abdullah và Ashraf Ghani, đối thủ của nhau trong một cuộc bầu cử ở Afghanistan, theo tiết lộ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chỉ riêng Trung Quốc có tới 11 Cty làm đại diện truyền thông.
Các chuyên gia PR nói các Cty Mỹ làm đại diện cho nhiều chính phủ nước ngoài gây tranh cãi có từ lâu.
Ông McFaul chỉ ra rằng, Olympic Mùa đông Sochi vừa diễn ra tại Nga, tiêu tốn hàng chục tỷ USD cũng là một phần chiến dịch truyền thông. Theo ông, sự kiện này là một cách để giới thiệu “một nước Nga mới” tới thế giới. Và chi trả cho Ketchum chỉ là một phần nhỏ nếu so với chỉ phí tổ chức Thế vận hội mùa đông ở Sochi, do vậy cũng là hợp lý khi chính phủ Nga tiếp tục mối quan hệ với Ketchum trong việc thúc đẩy hình ảnh và các lợi ích kinh doanh.
Angus Roxburgh, cựu tư vấn viên của Ketchum và là nhà báo của hãng BBC, The Economist, kể lại những trải nghiệm khi ông làm việc với Ketchum trong cuốn sách xuất bản năm 2011 “Người hùng Putin và cuộc đấu tranh cho nước Nga”.
Thế vận hội Sochi là một chiến dịch truyền thông lớn của Nga. Ảnh: New York Times
Theo Roxburgh, Ketchum làm việc với các yếu nhân của chính phủ Nga. Quan chức nước này, theo ông, lúc đầu được thuyết phục rằng họ có thể trả tiền để được đưa tin có lợi, hoặc có thể dọa dẫm các nhà báo để họ làm như thế. Rồi họ cuối cùng được khuyên đưa các nhà báo tới ăn tối để “cải thiện mối quan hệ”.
Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, mô tả chi tiết công việc của Ketchum, những cái tên nổi tiếng như tài tử Arnold Schwarzenegger hay cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger xuất hiện bên cạnh những nhà phân tích chính trị, chính trị gia và quan chức chính phủ Mỹ. Ketchum cũng nói họ làm việc, dàn xếp với tạp chí Time danh tiếng để đưa ông Putin vào vị trí Nhân vật của năm 2007. |
Sau cuộc chiến ngắn ngủi ở Gruzia, Ketchum vẫn tiếp tục làm việc với các cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, theo lời một số cựu nhân viên của Cty này.
Không phải đầu việc nào cũng nặng tính chính trị, ví dụ như tập hợp các câu hỏi của báo chí dành cho quan chức Nga hoặc kết nối với các tổ chức hay các nhóm thân Nga.
Ketchum cũng làm nhiệm vụ theo dõi báo chí, cung cấp những bản phân tích hằng ngày về Nga từ Washington, Brussels và New York, nghe ngóng thái độ từ Quốc hội Mỹ, đặc biệt là những ủy bản có thể ảnh hưởng đến Nga. Ketchum cũng thực hiện những kế hoạch chiến lược về một số vấn đề cụ thể.
Ông Roxburgh, người từ chối trả lời cụ thể một số câu hỏi trong cuộc phỏng vấn, nói với báo Daily Beast rằng mục tiêu của Ketchum, tạo dựng hình ảnh khiến Nga hấp dẫn hơn với giới đầu tư, “đồng nghĩa với việc giúp họ giấu đi những gì còn yếu kém”.
Trong cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008, tại văn phòng Ketchum ở New York xuất hiện một số lời kêu gọi tẩy chay Nga, theo lời một cựu nhân viên Cty. Những người đòi tẩy chay Nga sau đó đã được lãnh đạo cao hơn “vỗ về”.
Bà Jeavons từ chối cho biết những tranh cãi nội bộ của Ketchum và cho dù bà bảo vệ công việc của Ketchum tại Nga, Jeavons thừa nhận mối quan hệ giữa chính phủ Nga và Ketchum là “phức tạp”. “Chúng tôi nghĩ nơi nào chúng tôi cải thiện mối quan hệ truyền thông thì nơi đó chúng tôi có tác dụng”.
Nhưng khách hàng của Ketchum đâu chỉ có ông Putin và chính phủ Nga. Chính Cty này cũng tham gia một số chiến dịch truyền thông cho chính phủ Mỹ dưới thời ông George W. Bush mà cụ thể là với Bộ Giáo dục, Bộ Y tế Mỹ, theo tờ National Jounal. (Còn tiếp)