| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/01/2022 , 11:21 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 11:21 - 20/01/2022

Quà tết giữa mỹ tục và biến tướng

Để quà tết không phải mỹ tục bị biến tướng một cách đáng xấu hổ, rất cần thái độ tự trọng và liêm chính của những người có chức vụ.

Năm nào đến dịp gần tết, câu chuyện xôn xao nhất vẫn là quà tết. Trên các con phố, những giỏ quà tết được gói ghém rất đẹp mắt và rất ấn tượng. Thế nhưng, xung quanh quà tết cũng có không ít băn khoăn và ái ngại.

Trong phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội có liên quan đến Công ty Nhật Cường, đã có lời khai về quà tết khá ê chề. Bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho biết: “Trước tết Nguyên đán 2016, Bùi Quang Huy - Giám đốc Công ty Nhật Cường đến chúc tết, vào phòng tôi nói năm nay làm ăn được nên có tí quà tết biếu anh. Tôi nói luôn không nhận phần trăm mà chỉ bảo yêu cầu nhà thầu làm tốt gói thầu. Bùi Quang Huy nói đây là quà biếu tết, không liên quan gói thầu nên tôi nhận. Sau này tôi về xem thì biết trong gói quà có 300 triệu và chai rượu”.

300 triệu đồng không phải số tiền nhỏ. Vậy, đó có phải quà tết vô tư và chân tình không? Dĩ nhiên, không. Quà tết 300 triệu đồng là một kiểu hối lộ được ngụy trang thô sơ mà thôi. Kiểu quà tết 300 triệu đồng giữa giám đốc Công ty Nhật Cường và Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, đích thực rất đáng lên án và xử lý theo tội danh “đưa và nhận hối lộ”.

Không phải ngẫu nhiên, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã phải quy định về biểu hiện nghiêm cấm: “Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng”.

Quà tặng ngày thường đã khó kiểm soát, còn quà tặng mượn cớ ngày tết để thực hiện động cơ khuất tất thì càng khó kiểm soát hơn. Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu “nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức” nhằm tạo không khí trong lành cho những ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Quà tết là một mỹ tục lâu đời. Quà tết thể hiện sự tri ân hoặc sự báo hiếu của con cháu với cha mẹ, của học trò với thầy cô, của hậu sinh với tiền bối. Quà tết phải chứa đựng sự thành kính và sự trong sáng. Quà tết không phải cơ hội để cầu cạnh lợi lộc, mua bán công danh hay chạy chọt quyền bính. Để quà tết không phải mỹ tục bị biến tướng một cách đáng xấu hổ, rất cần thái độ tự trọng và liêm chính của những người có chức vụ.

Nếu trao quà tết đầy miễn cưỡng từ những kẻ luồn lách tà tâm và nhận quà tết như thói quen từ những kẻ tranh thủ địa vị xã hội nhất thời, thì thực sự là một vết nhơ cho đời sống văn hóa. Ở đời, cổ nhân vẫn nhắc “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Và hãy nhớ rằng, chỉ những ai mặc cảm về sự hèn kém của mình, mới lợi dụng sự biến tướng của mỹ tục quà tết.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm