| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 10/06/2021 , 15:04 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 15:04 - 10/06/2021

Quan chức vướng vòng lao lý vì sai phạm quản lý đất đai

Hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh vừa cùng lúc bị khởi tố, tạm giam vì sai phạm về quản lý đất đai

Hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh vừa cùng lúc bị khởi tố, tạm giam vì sai phạm về quản lý đất đai khi đương chức. Ông Nguyễn Chiến Thắng (nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Lê Đức Vinh (nhiệm kỳ 2016-2021) nối tiếp nhau trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiếp tay bán đất công cho doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt, làm thất thoát tài sản Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận. Cách đây hơn một tuần, ông Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã bị khởi tố, tạm giam vì hành vi tương tự.

Trong quá trình đô thị hóa, đất đai trở thành lĩnh vực nóng bỏng, và cái tư duy lệch lạc “biến đất công thành đất ông” không phải là câu chuyện riêng ở Khánh Hòa. Rất nhiều quan chức đã vướng vòng lao lý vì sai phạm đất đai. Cuối tháng 5/2021, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên là ông Nguyễn Chí Hiến cũng đã bị khởi tố, bắt giam.

Còn trước đó nữa thì sao, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM- Tất Thành Cang, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM - Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Hữu Tín cũng vì manh tâm bán rẻ đất công cho doanh nghiệp tư nhân mà thân bại danh liệt. Ở thành phố đáng sống nhất miền Trung cũng chứng kiến cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng - Trần Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND - Văn Hữu Chiến cúi đầu đón nhận hình phạt thích đáng.

Danh sách các quan chức ngã ngựa vì sai phạm quản lý đất đai, chắc chắn sẽ không dừng lại, nếu sự liêm chính trong hàng ngũ lãnh đạo không được đánh thức và sự giám sát thường xuyên từ các cơ quan chức năng không được phát huy.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân hào hứng nhảy vào lĩnh vực bất động sản? Vì dễ phát tài nếu khai thác được sự tha hóa của quan chức. Rất nhiều thủ thuật đã được áp dụng như hoán đổi công sản, hợp tác công tư hoặc nhân danh chỉnh trang đô thị để quan chức tha hóa giúp doanh nghiệp tư nhân thao túng những mảnh đất vàng. Mua với giá rẻ mạt và bán với giá thị trường, dĩ nhiên doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng thu được lợi nhuận khổng lồ. Chẳng ai dám chắc chắn, các quan chức tha hóa khi đặt bút ký quyết định bàn giao công sản cho doanh nghiệp tư nhân lại hoàn toàn trong sáng, vô tư.

Thực tế cho thấy, không có doanh nghiệp tư nhân nào chịu đầu tư vào khu vực đất đai khô cằn và hoang vu. Các dự án đều nhắm vào khu vực đất đai đang sản xuất nông nghiệp hoặc khu vực đất đai có đời sống nhộn nhịp. Những dự án tinh ranh ấy đều làm thu hẹp đất đai canh tác và làm xáo trộn trật tự xã hội. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh mẽ để trừng phạt và trấn áp liên minh ma quỷ giữa quan chức tha hóa và doanh nghiệp tư nhân trong các dự án bất động sản khuất tất.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Quan chức không thể cậy chút quyền lực nhất thời trong tay mình để ung dung “biến đất công thành đất ông” tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tái oai tái quái trên sự ê chề và cay đắng của cộng đồng.