Khởi động từ năm 2019, Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (Dự án BR) được triển khai tại 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An, và Đồng Nai.
Khu dự trữ sinh quyển, lần đầu được UNESCO đề xuất vào năm 1971, nhằm công nhận các khu vực có giá trị cao về thiên nhiên và văn hóa. Các khu này được xem như “phòng thí nghiệm” cho phát triển bền vững, nơi thử nghiệm các phương pháp quản lý tương tác giữa hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Sau 5 năm triển khai, dự án góp phần quản lý hiệu quả gần 2,1 triệu ha diện tích tại 3 khu dự trữ sinh quyển, phục hồi và quản lý rừng bền vững cho hơn 4.000ha rừng suy thoái, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên của 62.940ha khu vực dành riêng có giá trị bảo tồn cao.
Cùng với đó, gần 2.900 hộ gia đình, trong đó 40% người hưởng lợi là phụ nữ, đã tăng thu nhập ít nhất 20% thông qua các hoạt động như du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, và chăn nuôi thân thiện môi trường. Hơn 4.200 người, trong đó 43% là phụ nữ, đã được đào tạo về bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Dự án cũng đã đạt nhiều bước tiến trong việc thúc đẩy tích hợp đánh giá tác động đa dạng sinh học vào các đánh giá tác động môi trường tại 3 khu dự trữ sinh quyển. Khoảng 62,5% cơ sở du lịch được cấp chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học.
Các kết quả kể trên là minh chứng cho cam kết, nỗ lực của Việt Nam hướng tới thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal (GBF) đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban chỉ đạo Dự án BR nhận xét: “Dự án BR đã thúc đẩy các chức năng của khu dự trữ sinh quyển, bất chấp áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu”.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam (đơn vị phối hợp thực hiện Dự án BR với Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng tình và nhấn mạnh thêm: "Chúng ta cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Bằng cách trao quyền cho các cộng đồng, thúc đẩy sinh kế bền vững, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo nên một tương lai nơi con người và thiên nhiên sống hài hòa với nhau”.
Tiếp nối thành công của Dự án BR, UNDP cam kết thúc đẩy cuộc sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt là việc triển khai các dự án: Thúc đẩy bảo tồn loài hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam; Quản lý rừng và đất rừng bền vững ở cảnh quan lưu vực sông Ba...
Đại diện UNDP tin rằng, những nỗ lực này sẽ tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế và trong nước về bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Được tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Dự án BR có tổng kinh phí hơn 6,6 triệu USD, gồm 3 hợp phần chính. Ở cấp Trung ương, dự án hỗ trợ sửa Luật Đa dạng sinh học và hỗ trợ cơ quan quản lý ban hành chiến lược phát triển các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Tại địa phương, dự án hỗ trợ lồng ghép đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh.
Từ cuối năm 2024, Dự án BR lần lượt tổng kết tại các địa phương liên quan. Vào ngày 17/1, UNDP cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết cấp Trung ương.