| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về số lượng khu dự trữ sinh quyển

Thứ Năm 03/11/2022 , 17:12 (GMT+7)

Đứng thứ 2 về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển ở Đông Nam Á, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Ảnh: Đinh Mười.

Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Ảnh: Đinh Mười.

Bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các khu dự trữ sinh quyển

Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu.

Theo đó, ngày 3/11/2022 đánh dấu lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển. Là nước đứng thứ hai về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển ở Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nhằm hưởng ứng sự kiện này, các Bộ, Ban, nghành, địa phương phối hợp với Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển tại khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Mục tiêu của Lễ Mít tinh là nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với nhân loại, nâng cao nhận thức của các đối tượng về vai trò của Khu dự trữ sinh quyển trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển. Ảnh: Đinh Mười.

Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển. Ảnh: Đinh Mười.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Cụ thể, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các khu dự trữ sinh quyển tại địa phương.

Đồng thời, cần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển.

Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các Khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.

Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại địa phương để tăng cường kết nối giữa con người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Các địa phương có khu dự trữ sinh quyển tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Các địa phương có khu dự trữ sinh quyển tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

“Đặc biệt, cần tiếp tục huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển, tăng cường hợp tác với UNESCO, các tổ chức quốc tế, các thành viên trong mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển trên thế giới, tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Kỷ niệm Ngày quốc tế đầu tiên về khu dự trữ sinh quyển, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã và đang có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương.

“Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khu dự trữ sinh quyển. Hưởng ứng Ngày quốc tế lần thứ nhất về Khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà cộng đồng quốc tế đặt ra", bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ.

UNDP có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương. Ảnh: Đinh Mười.

UNDP có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương. Ảnh: Đinh Mười.

Phấn đấu đến 2030 có 15 Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các Khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển phát triển rộng khắp trên toàn các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Việc được công nhận các Khu dự trữ sinh quyển ngoài việc được thừa nhận các giá trị nổi trội về thiên nhiên và đa dạng sinh học, còn tạo cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững, thu hút đầu tư phát triển, tăng cường sự hợp tác và sự tham gia, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới.

Tại Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000. Sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Đó là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001, 2011), Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (2004), Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004), Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An (2007), Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (2009), Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009), Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (2015), Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (2021) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).

Tổng diện tích của 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước. Ảnh: Đinh Mười.

Tổng diện tích của 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước. Ảnh: Đinh Mười.

Trong giai đoạn 2000 - 2020, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong Khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, nước có 19 khu dự trữ sinh quyển. 

Tổng diện tích của 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước). Các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.   

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý Khu dự trữ sinh quyển các Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai trong Khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.