| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chặt giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc

Thứ Ba 22/10/2024 , 18:18 (GMT+7)

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần thiết kế các quy định quản lý chặt giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023.

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến Luật Dược tại hội trường. Ảnh: Quốc hội.

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến Luật Dược tại hội trường. Ảnh: Quốc hội.

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này đã sửa đổi, bổ sung một số khoản để thống nhất với quy định tại Luật Giá 2023, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá 2023.

Cụ thể, dự Luật bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 107 để quy định cụ thể việc kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá, hiệp thương giá thuốc theo pháp luật về giá: Niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Hiệp thương giá theo quy định của pháp luật về giá.

Đồng thời, bổ sung 1 khoản tại Điều 107 để quy định đặc thù về quản lý giá thuốc theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 (Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó).

Cụ thể là công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, trừ trường hợp thuốc sản xuất hoặc nhập khẩu không vì mục đích thương mại được miễn công bố theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, dự thảo Luật quán triệt nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.

Đồng thời, giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành", đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá". Việc công bố giá dự kiến đối tượng là thuốc kê đơn, áp dụng với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu; còn kê khai giá theo Luật Giá là thuốc thiết yếu, áp dụng với cơ sở bán buôn, bán lẻ.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu ý kiến về giá thuốc. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu ý kiến về giá thuốc. Ảnh: Quốc hội.

Kiểm soát giá thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng

Đưa ra quan điểm về vấn đề giá thuốc tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) chỉ rõ, tại Điều 2 của dự thảo có nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến. Điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc.

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

Ví dụ như, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.

Ngoài ra, Dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, vậy câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, tuy nhiên quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi về vấn đề giá thuốc. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi về vấn đề giá thuốc. Ảnh: Quốc hội.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm về giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng. Năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và hiện nay chúng ta đang thực hiện Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá.

Với tính chất là một mặt hàng đặc biệt, quy định về quản lý giá thuốc bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay rất hiệu quả; đồng thời các quy định của Luật Giá cũng đã quy định việc thực hiện các biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thiết kế dự thảo Luật một cách phù hợp, khả thi để có các biện pháp quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo.

Tạo hành lang thông thoáng cho xúc tiến thương mại nông sản

Khi tồn tại các vấn đề trong thực hiện Thông tư 04, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với phía bạn để giải quyết và hợp tác chặt chẽ hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bão Trami sẽ đi vào Biển Đông cuối tuần này

Lúc 1h sáng 22/10, áp thấp nhiệt đới phía đông Philippines đã mạnh lên thành cơn bão số 20 trên khu vực biển tây Thái Bình Dương, có tên gọi quốc tế là Trami.

Bình luận mới nhất