Trong thời kỳ này, cây cà phê cần được cung cấp dinh dưỡng để duy trì sinh trưởng phát triển và ra hoa đậu quả thuận lợi.
Độ ẩm đất bị hạn chế nên các loại phân bón có độ tan nhanh, dễ tiêu thường được bón cùng với việc tưới nước cho cây và được khuyến cáo bón từ 1-2 lần trong mùa khô. Một công thức phân bón với hàm lượng đạm cao là cần thiết để cây cà phê phục hồi sức khỏe sau khi thu hoạch. Cây cũng cần một lượng lân dễ tiêu để rễ có thể hấp thu dễ dàng trong điều kiện độ ẩm đất hạn chế và cần một lượng nhỏ kali để giúp cây chống hạn trong mùa khô.
Ngoài ra, các chất trung vi lượng như lưu huỳnh, can xi, magiê, bo, kẽm… cũng cần được cung cấp cân đối, hợp lý cho vườn cây cùng với các chất dinh dưỡng đa lượng. Công thức phân 20-5-6+TE hoặc những công thức có tỷ lệ N, P, K tương tự tỏ ra phù hợp để bón cho cà phê trong mùa khô.
Để quản lý tốt dinh dưỡng cho cây cà phê trong mùa khô, người trồng cà phê cần lưu ý đến những điều sau:
- Tạo hình cắt cành tốt vườn cà phê sau khi thu hoạch. Việc loại bỏ sớm các cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành vòi voi, cành vô hiệu và chồi vượt trên cây sau khi thu hoạch sẽ tránh được sự tiêu hao dinh dưỡng không cần thiết. Dinh dưỡng tập trung nuôi các cành khỏe mạnh còn lại trên cây, nhờ đó cây sẽ ra hoa, đậu quả tốt hơn.
- Đánh giá tình hình sức khỏe của vườn cà phê sau thu hoạch để quyết định số lần bón phân và lượng phân bón trong mùa khô. Tình hình sức khỏe của vườn cây cà phê sau thu hoạch phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, bón phân trước đó trong mùa nuôi quả và năng suất của vụ thu hoạch đó.
Ở những vườn cà phê mà vụ thu hoạch vừa xong đạt năng suất cao nhưng lượng phân được bón trong mùa mưa để nuôi quả không đủ, sau khi thu hoạch vườn cây thường bị suy kiệt, bộ lá chuyển vàng và rụng nhiều, khô cành nhiều. Những vườn này nên được bón phân ngay đợt tưới nước đầu tiên để cây có thể phục hồi tốt. Lượng phân trong đợt tưới đầu tiên này cũng không nên bón quá nhiều vì cây sẽ không sử dụng hết, dễ bị mất mát do nắng, gió trong mùa khô.
Trong đợt tưới đầu tiên, đất còn rất khô sau một thời kỳ khô hạn dài từ 2 đến 2,5 tháng để cây cà phê phân hóa mầm hoa. Lúc đất khô như vậy, hoạt động trao đổi chất của rễ cây cũng rất hạn chế. Sau khi được tưới nước vào, rễ cây mới bắt đầu hoạt động trở lại nên sẽ không kịp hút được nhiều dinh dưỡng nếu bón lượng phân quá nhiều, sau đó đất khô nhanh và sự hấp thu dinh dưỡng của cây bị hạn chế. Trong đợt tưới đầu tiên có thể bón 200kg/ha. Đến đợt tưới nước thứ hai - thường sau đợt tưới thứ nhất từ 20-30 ngày tùy vào điều kiện khí hậu đất đai của vùng - bón khoảng 300-400kg/ha.
Ở các vườn cà phê mà năm trước được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ hoặc có năng suấp thấp do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, sau thu hoạch vườn cây còn rất sung sức (được đánh giá ở màu xanh của bộ lá) thì không cần thiết phải bón phân cho cây trong đợt tưới đầu tiên. Lượng phân bón từ 400-500kg/ha được bón tập trung trong đợt tưới nước thứ hai.
Như vậy, một lượng phân NPK loại 20-5-6 TE từ 400-600kg/ha là cần thiết cho một ha cà phê trong mùa khô. Có thể chia lượng phân này để bón từ 1-2 lần cùng với việc tưới nước cho cà phê tùy theo tình tình sức khỏe của vườn cà phê sau thu hoạch.
Để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã ứng dụng nhiều tiến bộ của thế giới trong điều chế phân bón. Một số các hoạt chất làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón như Agrotain, Avail P, Penac P... đã được phối trộn thêm vào phân NPK và đã đạt được những kết quả rất tốt trên nhiều loại cây trồng qua khảo nghiệm và đánh giá của thực tế sản xuất.
Gần đây, Bình Điền đưa thêm chất vi lượng Smart Zinc còn gọi là kẽm thông minh vào nhiều loại phân NPK, trong đó có Phân bón Cà phê Mùa khô. Smart Zinc là một loại vi lượng Zn mà trong đó có 18% kẽm đã được hoạt hóa để cây dễ hấp thu, ngoài ra còn có thêm 13% P205 dạng dễ tiêu và 4% Mg0. Kẽm là một yếu tố dinh dưỡng vi lượng rất quan trọng đối với cây cà phê ở vùng Tây Nguyên.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tuy cần với lượng nhỏ nhưng thiếu kẽm ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất cà phê. Chất vi lượng kẽm thông minh này khác với kẽm dạng khoáng (ZnSO4 -7 H20) thường được dùng làm phân bón vi lượng trước đây. Smart Zinc không tan trong nước mà chỉ tan trong điều kiện acid yếu, do vậy khi cây cần, rễ cây sẽ tiết ra chất acid để hòa tan và thu hút.
Chất Smart Zinc vì vậy được bổ sung với lượng nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn vì không bị mất mát hay bị vô hiệu hóa khi bón vào đất. Do vậy, hiệu quả sử dụng phân bón được tăng cao, đặc biệt là khi phải bón phân trong điều kiện bất lợi như bón trong mùa khô, độ ẩm đất không ổn định.