| Hotline: 0983.970.780

Quản lý môi trường khu kinh tế, làng nghề: Một bãi rác 3 ngành quản lý

Thứ Ba 08/11/2011 , 09:23 (GMT+7)

Phần lớn ý kiến cho rằng, nhiều văn bản quy định chồng chéo là nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường gia tăng.

Một làng nghề làm gốm
Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề hôm qua (7/11), phần lớn ý kiến cho rằng, nhiều văn bản quy định chồng chéo là nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường gia tăng.

60% dân số mắc bệnh làng nghề

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cả nước hiện có gần 4.600 làng nghề, trong đó hơn 1.300 làng được công nhận và hơn 3.200 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn.

Qua khảo sát, ông Dũng cho biết, một trong những thách thức lớn đặt ra trong các khu kinh tế, làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Các kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm của nhiều làng nghề không những không giảm mà có xu hướng gia tăng.

Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than, hóa chất. Tái chế kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ đang là những ngành gây ô nhiễm lớn nhất, trong đó hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt 3-8 lần so với quy chuẩn, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần. “Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm 13-38%, bệnh về đường tiêu hóa chiếm 8-30%, bệnh viêm da 4,5-23%, bệnh đường hô hấp 6-18%...”- ông Dũng cho biết.

Một bãi rác 3 ngành quản lý

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ ra ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng. Đó là: khi quy hoạch, thiết kế, các địa phương và DN chỉ tìm cách làm sao để có khu kinh tế, có làng nghề mà không chú trọng đến vấn đề môi trường; làng nghề nhỏ lẻ và chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề mưu sinh của người dân nên không thể có kinh phí để đầu tư cải thiện môi trường; sản phẩm hàng hóa làng nghề và các khu công nghiệp yếu, không thể vươn lên để cạnh tranh nên thiếu kinh phí đầu tư cải thiện môi trường.

Đồng ý với đại biểu Phương, nhưng ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) và ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) còn bổ sung thêm, một nguyên nhân rất quan trọng khác là do văn bản hướng dẫn dưới luật còn chậm; nhiều văn bản quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, phân công phân cấp quản lý không rõ ràng, chế tài chưa đủ sức răn đe.

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề ở các địa phương cho thấy, hầu hết các khu kinh tế chưa thực hiện  nghiêm việc cam kết bảo vệ môi trường và rất ít các khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung, một số khu kinh tế có khu xử lý nước thải nhưng hầu như không vận hành để giảm chi phí.

Minh chứng về sự chồng chéo, các ĐB này đưa ví dụ một bãi rác hiện này có đến 3 ngành tham gia: quy hoạch do ngành xây dựng, việc thu gom rác do ngành công thương, xử lý rác do ngành tài nguyên và môi trường. Vì sự chồng chéo này đã khiến cho các ngành đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý. 

Để hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị, Chính phủ cần tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và giao cụ thể cho một ngành đầu mối để theo dõi, quản lý vấn đề môi trường tại những nơi này.

Đồng tình với kiến nghị trên, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) còn yêu cầu Chính phủ phải có quy hoạch tổng thể về xử lý môi trường, tăng cường kiểm tra trong quá trình thi công, chủ đầu tư nào sai phải đình chỉ ngay. Mặt khác, cần phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả làng nghề để đúc rút kinh nghiệm. Với làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, Chính phủ cần đầu tư để cải thiện môi trường, kết hợp với việc giáo dục cho người dân về bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.