| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Thứ Sáu 07/06/2024 , 15:11 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Biểu tượng bát cơm úp ngược và nén hương được xây dựng tại thành cổ Quảng Trị ngày ngày vẫn đón những đoàn khách đến thắp hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Võ Dũng.

Biểu tượng bát cơm úp ngược và nén hương được xây dựng tại thành cổ Quảng Trị ngày ngày vẫn đón những đoàn khách đến thắp hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Võ Dũng.

Nói đến Quảng Trị là nhắc đến những đau thương, mất mát trong chiến tranh. Chiến trường Quảng Trị khốc liệt những năm tháng hào hùng minh chứng cho ý chí chiến đấu ngoan cường “một tấc không đi, một li không rời” của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình thống nhất nhưng còn biết bao người con đất Việt vẫn còn nằm lại dưới lòng đất, những dòng sông. Tất cả đã hóa thành hồn thiêng sông núi, bất tử, trường tồn.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Non sông thống nhất, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh câu chuyện về mục tiêu phát triển, khát vọng hòa bình và chiến lược xây dựng miền đất lửa trở thành biểu tượng, điểm đến hòa bình.

Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình

Thưa ông, Quảng Trị là một mảnh đất lịch sử, anh hùng, trong quá khứ từng gánh chịu nhiều đau thương của chiến tranh. Thời đại ngày nay hơn ai hết có lẽ đối với Quảng Trị khát vọng hòa bình lớn lao hơn tất cả, và Quảng Trị cũng đang xây dựng điểm đến của hòa bình, xây dựng biểu tượng hòa bình, ông có thể chia sẻ khát vọng đó như thế nào?

Cầu Hiền Lương - giới tuyến 17, nơi phân chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Ảnh: Võ Dũng.

Cầu Hiền Lương - giới tuyến 17, nơi phân chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Ảnh: Võ Dũng.

Việt Nam là một trong những quốc gia trải qua nhiều mất mát, đau thương trong các cuộc chiến tranh và điều này cũng đã hun đúc nên con người Việt Nam với khát vọng hòa bình cháy bỏng. Hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Quảng Trị trở thành hình ảnh thu nhỏ của một Việt Nam bị chiến tranh hủy diệt, chia cắt và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất. Những địa danh trên vùng đất này như Cầu Hiền Lương, Sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Cửa Việt, Thành Cổ… đã in sâu vào tâm thức những người con đất Việt, đi vào lịch sử dân tộc, làm lay động lương tri nhân loại và trở thành bản anh hùng ca bất tử.

Đến với Quảng Trị hôm nay mỗi người sẽ hiểu được sự khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh, hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đến với Quảng Trị là đến với vùng đất nhiều đau thương mất mát nhất, đến đây để tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh. Một vùng đất nhỏ nhắn nhưng Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 54 nghìn phần mộ, trong đó có 2 Nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Trong các cuộc chiến tranh, trên 20 nghìn người con quê hương Quảng Trị đã anh dũng ngã xuống; trên 18 nghìn thương, bệnh binh đã bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường; trên 2,7 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 52 nghìn người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là tâm nguyện của anh linh các Liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là tâm nguyện của anh linh các Liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng. Quảng Trị là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Là vùng đất từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng quá nhiều sự hi sinh mất mát, cho nên hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của nhân dân Quảng Trị cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam. Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là tâm nguyện của anh linh các Liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

Và đó cũng là khát vọng chung của thế giới ngày nay, thưa ông?

Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững chính là khát vọng, là mục tiêu cao cả của toàn nhân loại. Khi mà trên thế giới liên tục xuất hiện các “điểm nóng” với xung đột vũ trang, bạo lực và chiến tranh đe dọa sự sống của hàng triệu người dân thì giá trị của an ninh và hòa bình, hơn lúc nào hết, càng cần được củng cố. Tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại là mục tiêu mà cả thế giới đều hướng đến.

Đối với thế giới, Quảng Trị như là “một lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng cho chiến tranh”. Vì thế, Quảng Trị đã và đang xây dựng điểm đến của hòa bình, xây dựng biểu tượng hòa bình thông qua Lễ hội Vì Hòa bình (Festival For Peace). Thông qua tổ chức lễ hội, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.

Với những ý nghĩa đó, Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức vào tháng 7 tới đây với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” không chỉ là niềm mong mỏi của người dân Quảng Trị, của nhân dân Việt Nam mà còn là của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì thế, lễ hội này sẽ là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc. Mục tiêu mà Quảng Trị hướng đến là bất cứ lúc nào du khách đặt chân đến Quảng Trị cũng cảm nhận được không gian đặc biệt với những cảm xúc đặc biệt trên miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình.

Di tích lịch sử và cơ chế đặc thù cho Quảng Trị

Thưa ông, với hệ thống các di tích lịch sử mang đậm giá trị không chỉ của Quảng Trị mà còn của cả quốc gia, vậy Quảng Trị có chiến lược như thế nào để phát huy những giá trị đó, biến di tích lịch sử thành nguồn lực phát triển?

Nhiều cuốn sách đã viết về những năm tháng khói lửa chiến tranh tại Quảng Trị, trong đó có rất nhiều học giả nước ngoài. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều cuốn sách đã viết về những năm tháng khói lửa chiến tranh tại Quảng Trị, trong đó có rất nhiều học giả nước ngoài. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng. Ảnh: Võ Dũng.

Quảng Trị có một hệ thống di tích lịch sử đồ sộ với 500 di tích với 561 điểm di tích thành phần, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh….

Bài liên quan

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, tu bổ di tích gắn với công tác quản lý và khai thác, phát huy giá trị di tích. Nhờ đó, đã quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút được hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư tôn tạo, tu bổ còn hạn chế nên hầu hết các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, trong đó có nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục truyền thống yêu nước, hạn chế khai thác phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương.

Để tiếp tục phát huy giá trị giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, biến di tích lịch sử thành nguồn lực phát triển, tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới đối với các di tích: Di tích quốc gia Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An; Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. 

Ngoài ra, để phát huy giá trị giá trị di tích lịch sử - văn hóa, cần có nguồn đầu tư lớn từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bằng hình thức liên doanh, liên kết để  khai thác, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng di sản văn hóa. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư thì phương thức đối tác công tư không quy định danh mục di sản văn hóa.

Cột cờ giới tuyến nằm phía Bắc sông Bến Hải thuộc xã Hiền Thành ngày nay chính là nơi đặt trụ sở của Tổ giám sát Quốc tế 76 về việc thực thi Hiệp định GENÈVE. Ảnh: Võ Dũng.

Cột cờ giới tuyến nằm phía Bắc sông Bến Hải thuộc xã Hiền Thành ngày nay chính là nơi đặt trụ sở của Tổ giám sát Quốc tế 76 về việc thực thi Hiệp định GENÈVE. Ảnh: Võ Dũng.

Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo đề nghị Chính phủ về một số chủ trương trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có công văn về việc trả lời kiến nghị của tỉnh Quảng Trị làm việc với Chính phủ. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý đề xuất với Chính phủ cho Quảng Trị xây dựng Đề án thí điểm khai thác di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo cơ chế đặc thù liên doanh, liên kết để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.

Để việc xây dựng đề án đảm bảo quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Quảng Trị trong quá trình xây dựng đề án phát huy giá trị giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng hình thức liên doanh, liên kết.

Phát triển dựa trên 3 trụ cột chính

Là một địa phương có nhiều di tích lịch sử, vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đa dạng để có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, Quảng Trị có chiến lược gì để kết nối và phát triển các loại hình du lịch để góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, thưa ông?

Trong những năm qua, cùng với tiến trình phát triển du lịch của cả nước, ngành du lịch Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và quá trình hội nhập quốc tế.

Bước ra khỏi chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực kiến thiết, xây dựng để từng bước nâng cao cuộc sống người dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Bước ra khỏi chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực kiến thiết, xây dựng để từng bước nâng cao cuộc sống người dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, tỉnh Quảng Trị xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quảng Trị là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú. Ngoài hệ thống các di tích lịch sử - cách mạng của các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, tỉnh Quảng Trị có một và tài nguyên thiên nhiên du lịch đặc sắc. Đặc biệt, khu vực phía Tây của tỉnh có nhiều địa thế rừng, núi, sông, suối xen kẽ nhau tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất hùng vĩ. Các hang động, thác nước đồ sộ trải rộng trên khắp địa bàn thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, homestay, kết hợp nông nghiệp và trải nghiệm.

Để phát huy tiềm năng và lợi thế đó, thời gian qua, Quảng Trị đã quan tâm chỉ đạo phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp nói riêng. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được tỉnh ban hành gắn với công tác quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn đi trước và pháp luật thường có độ trễ. Hành lang pháp lý cho loại hình du lịch nông nghiệp đang gặp nhiều bất cập, chủ yếu liên quan đến các yêu cầu về cấp phép đầu tư, quy hoạch, yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng… Trên địa bàn tỉnh đã có các mô hình dịch du lịch nông nghiệp phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, nằm xem kẽ trong các loại đất nên khó triển khai các dự án quy hoạch có quy mô lớn. Chưa có cách làm bài bản để thu hút du khách, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thất thoát nguồn thu cho địa phương. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt; nhất là chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện du lịch nông nghiệp…

Luật Đất đai 2024 đã cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, trong đó đã cơ bản hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững. Đã có những quy định tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, du lịch, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.

Thành phố Đông Hà đang từng bước chuyển mình để đón nhận những cơ hội, biến thách thức thành động lực phát triển. Ảnh: Đinh Tùng.

Thành phố Đông Hà đang từng bước chuyển mình để đón nhận những cơ hội, biến thách thức thành động lực phát triển. Ảnh: Đinh Tùng.

Để tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp phát triển, Quảng Trị đang chỉ đạo xây dựng Đề án và dự kiến tháng 7/2024 sẽ trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ các vướng mắc tạo điều kiện cho loại hình du lịch này phát triển, trong đó có khu vực phía Tây của tỉnh.

Tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn ở Quảng Trị là rất lớn, còn nhiều dư địa chưa được khai thác. Chúng tôi mong muốn và mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư. Quảng Trị sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai các dự án kinh doanh du lịch.

Khơi dậy tiềm năng, động lực, khát vọng phát triển và cống hiến của người Quảng Trị

Điểm nhấn của quy hoạch tỉnh Quảng Trị là gì và triết lý, nhiệm vụ phải làm để hiện thực mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm liên kết vùng Bắc Trung Bộ như thế nào, thưa ông?

Sau một thời gian dài nỗ lực, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 20210-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, Quảng Trị đã vươn mình mạnh mẽ. Ảnh: Võ Dũng.

Trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, Quảng Trị đã vươn mình mạnh mẽ. Ảnh: Võ Dũng.

Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ thay thế cho khoảng hơn 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; loại bỏ hoàn toàn các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển; giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt sẽ giúp sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế có hiệu quả”. Quy hoạch tỉnh Quảng Trị được phê duyệt chính là cơ sở triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó phát huy tiềm năng, nội lực của tỉnh, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Mục tiêu xuyên suốt mà Quy hoạch tỉnh đề ra là đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước và tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Để hiện thực hóa Quy hoạch đã được phê duyệt, trước hết, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của người dân trong tỉnh, từ đó tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó, cần triển khai các nhiệm vụ để từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh trong thực tiễn; đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, như các dự án hạ tầng ưu tiên phát triển đô thị, đường giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các dự án năng lượng, logistics… theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với cải cách hành chính; đồng thời đổi mới tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hoạt động giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh dựa trên nền tảng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án đầu tư đi kèm với nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Vào trung tuần tháng 6/2024, UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa, theo ông, sự kiện này mang ý nghĩa như thế nào?

Giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa là một trong những sự kiện quan trọng hướng tới Lê hội Vì hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị.

Giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa được tổ chức vào trung tuần tháng 6 tới, toàn bộ tiền bán BIB sẽ góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa được tổ chức vào trung tuần tháng 6 tới, toàn bộ tiền bán BIB sẽ góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Một điều rất ý nghĩa là ban tổ chức đã thống nhất, toàn bộ tiền bán BIB sẽ đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh.

Thông qua Giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa, những người yêu bộ môn Marathon, những người yêu Quảng Trị sẽ thấy được một mảnh đất Quảng Trị đã từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh và là nơi thể hiện khát vọng sống, khát vọng hòa bình của cả dân tộc, một mảnh đất đang chuyển mình, vượt trên tất cả những đau thương mất mát trong chiến tranh để hồi sinh và phát triển.

Để chuẩn bị tốt cho giải chạy lần này, Báo Nông nghiệp Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đã triển khai các kế hoạch hết sức chu đáo. Chúng tôi đã ban hành kế hoạch tổng thể, trong đó phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị tham gia tổ chức giải, các bộ phận giúp việc, các phương án về phân luồng giao thông, hỗ trợ các vận động viên, hậu cần và y tế cũng như an ninh trật tự cho giải. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.