| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

Thứ Tư 01/05/2024 , 16:30 (GMT+7)

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ năm 1980 - 2023, hàng năm tổng lượng dòng chảy sông Mekong chuyển trên 443 tỷ m3 nước vào ĐBSCL và nội sinh của vùng khoảng 32 tỷ m3. Do đó, nguồn tài nguyên nước mặt cho vùng phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong chuyển về.

Nguồn tài nguyên nước mặt cho vùng ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong chuyển về. Ảnh: Kim Anh.

Nguồn tài nguyên nước mặt cho vùng ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong chuyển về. Ảnh: Kim Anh.

Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mekong đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Đối với tài nguyên nước dưới đất (nước ngầm) có trữ lượng tiềm năng trên toàn lưu vực gần 72 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác nước ngầm khoảng 7,8 triệu m3/ngày.

Cùng với các vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, nguồn nước trong vùng ĐBSCL đang chịu áp lực bởi các hoạt động phát triển kinh tế nội tại như: nước thải sinh hoạt, nuôi trồng chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất công nghiệp… Điều này đặt ra thách thức lớn về nguồn nước cho vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hiện nay.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu khí hậu và thiên tai cực đoan đã từng có những nghiên cứu rất kỹ về lượng mưa. Ông đánh giá, với lượng mưa thấp nhất là 1.600mm và có thể lên đến 2.400mm, đây là lượng mưa rất lớn để sử dụng.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu khí hậu và thiên tai cực đoan đặt vấn đề: 'Tại sao sông có nước, trên trời có nước, nhưng ĐBSCL lại thiếu nước?'. Ảnh: Kim Anh.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu khí hậu và thiên tai cực đoan đặt vấn đề: “Tại sao sông có nước, trên trời có nước, nhưng ĐBSCL lại thiếu nước?”. Ảnh: Kim Anh.

Thế nhưng, vấn đề ông Huy đặt ra là tại sao lượng mưa này chưa được đưa vào các kế hoạch, quy hoạch để tận dụng.

“Chúng ta nói thiếu nước, trong khi sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao thiếu nước?. Bài toán ở đây là chưa biết giữ nước. Hiện tại người dân giữ nước chủ yếu trong kênh, nước thải, nước mưa, nước sông cũng đổ kênh và đó là những nguồn nước không sử dụng được do ô nhiễm và nhiễm mặn”, ông Huy phân tích.

Trong quá trình thực tế khảo sát ở các vùng duyên hải hoặc những khu vực hạ lưu, nơi người dân khó tiếp cận nguồn nước, ông Huy nhận thấy rõ, người dân phải khai thác nước ngầm.

Trong khi đó, một số giải pháp đưa ra là quy định người dân không được khai thác nước ngầm. Chế tài này theo ông Huy là chưa phù hợp và chưa thể thực hiện.

Do đó, để giải quyết vấn đề nguồn nước cho vùng ĐBSCL, vị chuyên gia này cho rằng, xây dựng các hồ chứa để giữ nước trong mùa khô cần phải được tính toán.

Đi sâu phân tích, ông Huy cho biết, mùa mưa kết thúc vào tháng 11/2023 và kéo dài đến hết tháng 4/2024. Như vậy, tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài vài tháng, các hồ chứa phải được bảo vệ nghiêm ngặt để sử dụng trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, các địa phương và cơ quan chuyên môn cần nghĩ tới câu chuyện phân loại nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Một trong những giải pháp trước mắt và lâu dài giải quyết vấn đề nguồn nước cho ĐBSCL là thay đổi nhận thức sử dụng nước của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Một trong những giải pháp trước mắt và lâu dài giải quyết vấn đề nguồn nước cho ĐBSCL là thay đổi nhận thức sử dụng nước của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện nay, gần 100% nước sinh hoạt lấy từ nguồn nước mặt. Trải qua các đợt hạn mặn, địa phương này nhận thức rõ việc thay đổi nhận thức sử dụng nước cho người dân rất quan trọng.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm và biết tích trữ nguồn nước.

“Thực tế, hiện giá nước sinh hoạt người dân nông thôn đang sử dụng giới hạn ở mức 5.000 - 7.000 đồng/m3. Khi nào người dân buộc phải chi trả 15.000 đồng/m3 nước, khi đó bà con mới nghĩ tới chuyện tiết kiệm hoặc tích trữ nước mưa để sử dụng”, ông Sử cho biết.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tập trung giải quyết cấp nước cho khoảng 3.300 hộ dân ở những vùng khó khăn. Đồng thời, tỉnh đang thực hiện Đề án nâng cao năng lực trữ nước tại chỗ, thông qua việc khuyến khích người dân trữ nước ở quy mô hộ gia đình, cộng đồng. Vừa góp phần thay đổi nhận thức, vừa nâng cao năng lực trữ nước cho người dân địa phương.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.