Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông lâm và thủy sản (NLTS) Bình Định, thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và thủy sản năm 2018 của UBND tỉnh Bình Định, đơn vị này đã tham mưu cho ngành chủ quản là Sở NN-PTNT Bình Định xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kho lạnh bảo quản thủy sản ở Cảng cá Quy Nhơn |
Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý NLTS Bình Định đã lấy 92 mẫu giám sát, kiểm soát dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong sản phẩm NLTS để phân tích, kiểm nghiệm; tổ chức tập huấn kiến thức VSATTP cho 425 lượt người, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về ATTP.
“Đơn vị chúng tôi luôn chú trọng đến công tác giám sát, kiểm tra lấy mẫu đột xuất; những cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, nhất là đối với các hành vi sử dụng chất cấm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS. Trong tháng hành động vì ATTP năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP tỉnh Bình Định đã kiểm tra 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS; kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 14 triệu đồng. Có thể nói, càng ngày ý thức thực hiện pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên”, ông Hoàn cho biết.
Công tác kiểm tra xếp loại và kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN cũng được Chi cục QLNLTS Bình Định quan tâm thực hiện. Trong năm 2018 đơn vị này đã kiểm tra định kỳ 67 cơ sở, kiểm tra xếp loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 18 cơ sở. Đến nay, đã cấp 289 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS.
“Đến cuối năm 2018, phấn đấu tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm các quy định về dư lượng kháng sinh và các chất độc hại giảm 10%; tỉ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS xếp loại A, B tăng 10% so với năm 2017, cơ sở xếp loại C được nâng lên; việc kiểm soát ATTP trong chuỗi liên kết được thiết lập”, ông Hoàn chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh này đã xây dựng 7 vùng sản xuất rau an toàn với 2 chỉ tiêu kiểm soát dư lượng thuốc BVTV và hàm lượng nitrat trên các loại rau, củ, quả, gồm: Dưa hấu, dưa leo, kiệu, khổ qua, rau muống và ớt. Xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc thịt heo an toàn để xuất bán ra ngoài tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ tập trung tại TP Quy Nhơn. Xây dựng Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi đạt cảng cá ATTP loại A; tiếp tục khắc phục các khuyến cáo của EU liên quan đến ATTP.
Trồng rau sạch đảm bảo VSATTP tại huyện Tây Sơn |
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh này đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm NLTS; xác định hoạt chất thuốc BVTV thường sử dụng trên lĩnh vực trồng trọt để người dân nắm bắt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người sản xuất và các cơ sở kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS.
"Ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch hành động bảo đảm VSATTP trong nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo ATTP cho tàu cá tại các cảng cá trong tỉnh; giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP trong chăn nuôi; sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm NLTS". Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định |