| Hotline: 0983.970.780

Quan xã ăn chặn tiền hỗ trợ hộ nghèo

Thứ Hai 01/06/2015 , 06:20 (GMT+7)

Chỉ có 9/23 con trâu bò hỗ trợ đồng bào phát triển SX đến được tay người dân, số còn lại bị một số quan xã Xuân Thắng, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) lập hồ sơ khống ăn chặn một cách trắng trợn.

Nhằm góp phần giúp đồng bào dân tộc miền núi phát triển SX, từ năm 2008 - 2010, Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ xã Xuân Thắng, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) 23 con trâu bò. Tuy nhiên, chỉ có 9/23 con được hỗ trợ đến tay người dân, số còn lại bị một số quan xã lập hồ sơ khống ăn chặn một cách trắng trợn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2008 - 2010, thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 của Chính phủ, xã Xuân Thắng được hỗ trợ 23 con trâu bò, mỗi con trị giá 5 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được chủ trương, chủ đầu tư dự án (UBND xã Xuân Thắng) thành lập một ban quản lý, giao ông Vi Hồng Quang, lúc đó là Chủ tịch UBND xã (hiện nay ông Quang giữ chức Chủ tịch ủy ban MTTQ xã - PV) làm trưởng ban.

Quá trình triển khai, ban quản lý đưa ra bàn bạc, bình xét cụ thể, nhưng khi cấp trâu, bò không hiểu vì lý do gì mà cả 9/9 con trâu bò cấp cho hộ dân đều không đúng đối tượng đã được bình xét? Một người dân ở thôn Tân Thọ bức xúc: “Khi nghe xã thông báo được Chính phủ hỗ trợ 5 triệu đồng để mua trâu, bò chúng tôi rất phấn khởi. Nhưng, sau đó xã lại có thông báo mỗi hộ phải đóng thêm từ 5 - 6 triệu đồng nữa mới mua được trâu, bò.

Gia đình chúng tôi là hộ nghèo lấy đâu ra chừng ấy tiền để đóng. Điều hết sức vô lý là xã lại nói, hộ nào được xét mà không nhận trâu, bò thì xã sẽ cấp cho các hộ khác hoặc số tiền đó sẽ được trả về huyện để nộp lại cho Nhà nước”.

Chưa dừng lại ở việc cấp sai đối tượng, UBND xã Xuân Thắng còn trắng trợn ăn chặn 14 con trâu, bò của người nghèo, tương đương số tiền 70 triệu đồng.

Theo đó, ông Vi Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã và ông Vi Thanh Tuyết, kế toán ngân sách xã đã lập hồ sơ quyết toán khống các khoản: Hỗ trợ thôn Dín làm đường giao thông nông thôn 22 triệu đồng; hỗ trợ UBND xã làm nhà vệ sinh công cộng 15 triệu đồng..., để hợp thức hóa số tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân khẳng định: “Những sai phạm ở xã Xuân Thắng trong việc dùng tiền hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Chương trình 135 vào mục đích cá nhân là có thật. UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra mức độ vi phạm tại xã Xuân Thắng, có hướng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Xuân Thắng nộp lại số tiền 115 triệu đồng từ dự án hỗ trợ 23 con trâu, bò sai phạm vào Kho bạc Nhà nước.  Hiện số tiền trên đã được cán bộ xã nộp lại hoàn chỉnh”.

Được biết, ông Vi Hồng Quang hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch UBMT Tổ quốc còn ông Vi Thanh Tuyết chuyển sang làm cán bộ phụ trách mảng dân tộc của xã Xuân Thắng. Việc hai ông này chuyển vị trí không phải vì sai phạm trong vụ việc nêu trên mà do không đủ tín nhiệm.

“Huyện đang chờ kết luận điều tra của cơ quan công an để đưa ra hình thức xử lý cụ thể đối với các đối tượng vi phạm”, ông Cầm Bá Đứng thông tin thêm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.