Xâm phạm công trình thuỷ lợi trở nên phổ biến
Ông Nguyễn An Tư, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, những năm qua, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi diễn ra rất phức tạp. Các hình thức vi phạm chủ yếu như trồng cây trong phạm vi lòng hồ, xây nhà kiên cố dưới chân hạ lưu… “Quá trình thi công, nâng cấp sửa chữa, bảo đảm an toàn hồ chứa sẽ gặp nhiều khó khăn do các trường hợp vi phạm đều đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”- ông Tư nói.
Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại vùng hồ chứa nước Rào Ngọn (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch). Người dân cho hay, nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm vì tình trạng xả thải vào lòng hồ. Ông Nguyễn Viết Sỹ, Trưởng chi nhánh Thuỷ nông Bố Trạch cho biết, xung quanh khu vực hồ chứa có các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đang hoạt động nên nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu, xung quanh hồ Rào Ngọn có 4 trang trại nuôi lợn đang xả thải vào hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Các trang trại này đều được xây dựng từ nhiều năm về trước và chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Ông Dương Thanh Luyện, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, cho biết: “Các trang trại đã xây dựng hệ thống xả thải trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình hồ Rào Ngọn mà chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình”.
Quảng Bình hiện có 28 tuyến đê kè với tổng chiều dài trên 280 km. Hệ thống đê điều đã góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp giao thông, bảo vệ dân sinh-kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê điều ngày càng có chiều hướng gia tăng và có tính chất phức tạp.
Trên địa bàn thị xã Ba Đồn, dọc tuyến đê hữu sông Gianh đoạn qua xã Quảng Lộc nhiều công trình quán xá, trại chứa phế liệu, lán đựng gỗ, công trình phụ... được xây dựng từ nhiều năm nay. Tất cả đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hành lang bảo vệ đê điều. Ngoài ra, hàng ngày nhiều xe tải lớn nhỏ ra vào chở gỗ, cát, sỏi, phế liệu đang tàn phá mặt đê. Theo ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 8 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Nhiều trường hợp xây dựng quán, làm lán đựng gỗ trên mái kè về phía sông từ những năm 1997. Chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa chịu tháo dỡ”.
Thông tin từ Chi cục Thuỷ lợi Quảng Bình, tính đến nay, tổng số vi phạm, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã phát hiện là 301 trường hợp, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều là 35 trường hợp. Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Ngoài ra, tình trạng đổ rác thải trên mặt, mái đê, mái kè còn phổ biến ở các tuyến đê hữu Nhật Lệ (thuộc huyện Quảng Ninh), kè hữu Lý Hòa (Bố Trạch), đê tả sông Gianh (thị xã Ba Đồn)...vẫn đang xãy ra làm ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình”.
Vi phạm nhiều, xử lý chẳng…bao nhiêu
Trên địa bàn thị xã Ba Đồn tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều diễn ra tại nhiều địa phương, như ở xã Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Minh... Tại các tuyến đê: Hữu sông Gianh, La Hà-Văn Phú, Đông Thành-Cồn Nâm tình trạng xây nhà trái phép, xây dựng kiên cố công trình phụ trợ bảo vệ nuôi trồng thuỷ sản… vẫn còn diễn ra.
Điển hình như ở xã Quảng Minh, địa phương để cho hộ dân lấn chiếm xây dựng xong nhà rồi mới tiến hành lập biên bản nên quá trình cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, công tác tham mưu, xử lý và tiến hành các bước theo quy định pháp luật còn chậm. Các đối tượng vi phạm xây dựng xong thì cán bộ xã, phường mới phát hiện dẫn đến một số gia đình có hành vi chống đối, gây khó dễ.
Công tác xử lý vi phạm phạm luật về bảo vệ công trình thuỷ lợi không chỉ gặp khó mà còn xảy ra tình trạng vi phạm nhiều, xử lý ít. Theo lý giải của các cơ quan chức năng thì hầu hết các vi phạm đều xảy ra từ rất nhiều năm trước, thậm chí các hộ dân đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có trường hợp còn cấp phép hoạt động trái thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nên vấn đề xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn An Tư, Phó giám đốc Cty KTCTTL cho hay: “Chúng tôi trực tiếp quản lý các công trình thuỷ lợi nhưng không có chức năng xử phạt, nên khi phát hiện, chỉ lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý, nên mới xảy ra tình trạng vi phạm nhiều, xử lý ít”.
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, nguyên nhân tồn tại trong việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi là do trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa cao, hình thức xử phạt vi phạm chưa được áp dụng một cách nghiêm túc. “Việc xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế, giải tỏa di dời thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng chính quyền một số nơi chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Hầu hết các vụ việc xử lý vi phạm chỉ ở mức nhắc nhở, vận động người vi phạm tự khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình”- ông Tiến nói..
Cũng theo ông Tiến, những vi phạm đến nay vẫn tồn đọng chưa xử lý dứt điểm do những công trình xây dựng trước đây không được cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thuỷ lợi nên gây khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn lên phạm vi hành lang công trình hoặc cho phép sử dụng đất trước thời điểm quy định của Luật đất đai nên rất khó xử lý. Việc giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có kinh phí đền bù, hỗ trợ di dời.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản giao các địa phương rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi để phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cấp chính quyền. Ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện cắm mốc hành lang đê điều, hồ chứa nước trên toàn tỉnh, tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.