| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Những thân phận nơi con đập từng đẩy lùi chất thải Formosa ra khỏi sông Hương

Thứ Năm 06/10/2022 , 07:48 (GMT+7)

Năm 2016, nhà máy thép Formosa đổ chất thải độc ra cảng biển Vũng Áng, thuộc Hà Tĩnh nhưng lan rộng ra làm cá tôm chết đến tận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Empty

Đập Thảo Long nhìn từ phía Trạm Phú Cam - Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xả 50 triệu m3 nước để đẩy lùi chất độc

Bài liên quan

Trước nguy cơ hàng trăm ha thủy sản ở thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang bị đe dọa, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên - Huế (đơn vị quản lý đập Thảo Long) lúc đó đã quyết định xả 50 triệu m3 nước ngọt phía thượng nguồn để đẩy lùi chất độc do nhà máy Formosa xả thải, cứu cả vùng hạ nguồn sông Hương.

Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế đã nói với tôi như thế khi đang đi kiểm tra tình hình của đập Thảo Long trước bão Noru.

Từ độ mặn 5-7 phần ngàn tại Thảo Long và 1 phần ngàn tại sông Hương đoạn chảy qua TP Huế, khi có con đập mới đã rút xuống còn 0,2 phần ngàn tại Thảo Long, còn sông Hương đoạn chảy qua TP Huế độ mặn trở về bằng không 16 năm nay.

Có đập Thảo Long, chuỗi nhiễm mặn bị cắt đứt, Huế được thêm khoảng 1.000 ha lúa trước đây vụ hè thu thường bỏ hoang nay gieo cấy bình thường; có đập Thảo Long giúp dâng cao mực nước trên các sông nội đồng thêm 0,3-0,5m, giảm thiểu việc nạo vét bùn đất mà vẫn cung cấp nước tưới đủ cho 16.000-17.000 ha vùng đồng bằng sông Hương; có đập Thảo Long, nửa triệu dân TP Huế và vùng phụ cận lúc nào cũng có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, du lịch và nuôi trồng thủy sản...

Nếu tính lợi ích của đập Thảo Long ở phía thượng nguồn là nhiều vô kể nhưng những bên hưởng lợi không có cơ chế đóng phí mà vẫn là miễn phí. Ai cũng được lợi nhưng không chỉ rõ được ai, không lượng hóa được. Chỉ có ngân sách cấp một cách hạn chế cho việc vận hành đập nên doanh nghiệp hoạt động nhưng không có tiền tăng thêm mà chỉ trả lương như sự nghiệp, đời sống của cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, mỗi năm cấp được 1,2 tỉ thì chi cho sửa chữa, bảo dưỡng, điện vận hành đã cỡ vài trăm triệu, chỉ còn lại khoảng 900 triệu chia cho 16 con người, bao gồm cả chi phí thường xuyên. Bởi thế những người có thâm niên trên 20 năm chỉ có lương khoảng 6 triệu, những người có thâm niên trên 10 năm lương 5 triệu, những người mới vào lương 3-4 triệu. Trong khi đó, điều kiện làm việc nguy hiểm vì gồm môi trường cả trên cao lẫn dưới nước, sóng gió, nhiễm mặn…

Empty

Công nhân Trạm Phú Cam - Thảo Long đang vận chuyển cát để dằn lên mái nhà chống bão Noru. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phận của những người ngày đêm giữ đập là thế, còn phận của con đập thì sao? Ông Đỗ Văn Đính kéo tôi ra phía bờ sông Hương rồi chỉ vào những vết rỉ lớn, có thể dễ dàng cầm tay bóc từng lớp được dễ dàng như bóc bánh tráng, xuất hiện chi chít trên cánh cửa của đập. Đó là phần nổi, còn phần chìm có lẽ đã bị nước mặn tàn phá hơn thế nhiều bởi chúng đều được làm bằng thép đen, không thể chống lại sự bào mòn của muối.

Theo ông Đính, công nghệ đập trụ đỡ của Thảo Long ở thời điểm hoàn thành mang tính cách mạng cho cả ngành thủy lợi, tuy nhiên các thiết bị đã làm việc 16 năm liên tục trong điều kiện nước mặn, thời tiết khắc nghiệt. Nhờ đội ngũ cán bộ, công nhân Trạm quản lý duy tu thường xuyên mà nó vẫn còn trụ lại, hoạt động được đã là một sự cố gắng lớn. Con đập khổng lồ mà chỉ có khoản tiền còm cõi khoảng 100 triệu/năm để bảo dưỡng mà thôi.

Cách đây 5 năm Công ty đã đề nghị phương án sửa chữa cho đập Thảo Long với số tiền khoảng 200 tỉ để thay toàn bộ cánh cửa bằng thép không rỉ, thay toàn bộ hệ thống xi lanh thủy lực mới… Nhưng 5 năm sau, trên mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa với tổng mức hơn 120 tỷ đồng, vẫn còn rất khiêm tốn và không thể làm được triệt để.

Empty

Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên - Huế dẫn đầu đoàn đang kiểm tra những vết rỉ trên cửa đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghề thủy lợi và các ông thần giếng

Nghề thủy lợi, mỗi năm chuẩn bị vào mùa mưa bão, việc đầu tiên là lãnh đạo luôn hỏi và nhắc nhở cán bộ, công nhân viên vấn đề lo chèn chống, gia cố nhà cửa để khi có bão lũ thì phải ứng chiến tại công trình 100%. Mặc dù có một số anh em ở nhà chỉ có bố mẹ già, vợ và con dại nhưng khi có dự báo bão hoặc lũ luôn phải tập trung đủ 100% quân số.

Năm 2020 nước lụt ngập lút đập Thảo Long, trông ra chỉ thấy một mặt sông mênh mông sóng vỗ và hơn một nửa cái trụ cầu in bóng trên dòng Hương. Nước ở lâu hơn 1 tháng là cả tháng đó anh em Trạm Phú Cam - Thảo Long phải ăn ở cả trên tầng 2. Ngày ngày họ tụt từ… ngọn cây bàng xuống cái mái tôn nhà xe để đi vệ sinh, hoặc hái rau muống trôi, giăng lưới bắt cá làm thức ăn kèm với mì tôm và cơm trắng nhưng không ai ca thán lấy một câu.

Empty

Trạm Phú Cam - Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi ca làm việc của Trạm có 3 người, sáng thì làm vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị như bôi dầu mỡ vào ti thủy lực, chốt, ốc vít, tối thì ngủ nhưng phải thức dậy 1-2 lần, mỗi lần chừng 30 phút để xem mực nước ở cột thủy chí. Nếu mà nước thượng nguồn về nhiều thì xả thêm vài cửa, nếu mà triều cường lên thì đóng hết cửa để mặn khỏi xâm nhập vào.

Năm ngoái, lương của Dương Đình Nam - công nhân kỹ thuật vận hành với hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ ở mức 3,8 triệu, năm nay do địa bàn quản lý sáp nhập vào thành phố Huế, từ vùng 3 thành vùng 2 mới được nâng lên 4,5 triệu. Nhiều anh em thâm niên 20 năm, lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ nhưng lương cũng chỉ cỡ trên dưới 5 triệu. Nếu không phải là rất yêu nghề thì có lẽ họ đã bỏ việc ngay từ khi mới vào.

Thảo Long 4

Đập Thảo Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Sơn - Công Điền.

Từ đập Thảo Long tôi ngược dòng sông Hương, lên phía thượng nguồn. Ở đâu cũng thấy một màu xanh mướt mát của cây trái, của những hồ ao ăm ắp nước vỗ bờ. Ông Đặng Bá Hân - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thanh 2 xã Phú Thanh, trước thuộc huyện Phú Vang, mới sáp nhập vào TP Huế hơn 1 năm nay bảo: HTX có 182 ha lúa, 2.169 khẩu, từ xưa đến nay dân chủ yếu bằng nghề nông. Vẫn ruộng chừng đó, con người chừng đó nhưng trước đây sản xuất không đủ ăn bởi chỉ làm ruộng được 1 vụ đông xuân, trong đó có 100 ha chắc ăn, 85 ha bấp bênh do nhiễm mặn, phải đi nơm, bủa lưới, làm nò, giăng câu, sống đắp đổi qua ngày.

Xã viên túng thiếu nên thường xuyên vay nợ vật tư của HTX, HTX lại vay nợ ngân hàng. Mỗi thôn có 1 cái hồ để trữ nước ngọt, từ tháng 7 - tháng 9 cả làng cứ ra đó gánh về ăn, ban ngày nước đùn ra không kịp, 11-12 h đêm cũng vẫn chầu chực. Các sông nhánh, hói (mương lớn) cạn tận đáy, nứt nẻ hết, một số người đào những cái hố sâu ngang ngực rồi chờ nước rỉ ra, gánh về, lắng phèn dùng tạm.

Bởi thế, hôm khánh thành đập Thảo Long, dân kéo ra đông quá trời quá đất, vỗ tay rần rần, khi về ai cũng hỉ hả khen cầu đẹp, đường đẹp, cánh cửa to lớn làm sao. Từ ngày có đập Thảo Long họ chuyển sang làm ruộng 2 vụ, diện tích đều ăn chắc hết, năng suất gấp 3 lần trước bởi giống mới, bởi đủ nước, vụ đông xuân 3-4 tạ/sào 500m2, vụ hè thu 2,5-3 tạ/sào 500m2.

Empty

 Ông Đặng Bá Hân - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thanh 2 xã Phú Thanh đang thắp hương trước bệ thờ thần giếng của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hân đứng bần thần trên cái hồ trữ nước ngọt của làng, nó vẫn trong vắt như xưa. Trên bờ mỗi hồ trữ nước ở mỗi thôn bao giờ cũng có một bệ thờ thần giếng để dân làng ra thắp hương ngày rằm, mồng một, cầu mong sao nước sẽ không bao giờ cạn. Giờ, dân làng vẫn giữ lệ ấy nhưng không còn gánh nước về dùng nữa bởi 100% đã có nước máy kéo đến tận nhà. Những dòng chữ viết bằng sơn trên cái biển bê tông đã phai mờ theo năm tháng nhưng ông Hân vẫn còn nhớ rõ, nó từng ghi, cấm thả trâu bò xung quanh hồ, cấm lội xuống làm đục nước hồ, cấm tắm, cấm câu cá ở hồ.

Mỗi nhà dân của Phú Thanh xưa thường có 2-3 cái lu lớn dùng để trữ nước thì nay chúng được đem ra, sơn phết lại cho đẹp rồi trồng lên những cây hoa tô vẽ cho các con đường nông thôn mới thêm mỹ miều...

Thời Pháp thuộc chính quyền đã cho xây dựng một đập đá ở gần cửa biển Thuận An nhằm giảm mức độ mặn xâm nhập vào sông Hương nhưng tồn tại được một thời gian thì nó bị hỏng. Người Pháp khi đó cũng đã nghĩ đến việc xây một cái đập bê tông kiên cố ở gần cảng Tân Phú nhưng chưa thực hiện được thì thua cuộc Việt Minh, phải rút chạy.

Sau khi đất nước thống nhất, cán bộ của ta đã vẽ thiết kế một cái đập Cồn ngăn sông Hương ở vị trí cách cầu Tràng Tiền chừng 8km rồi đào kênh dẫn ngọt về hạ lưu nhưng dự án đó cuối cùng chẳng hiểu sao bị “đắp chiếu”.

Năm 1978, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên, hai kỹ sư Lê Tấn Hàm và Lê Đệ đã thiết kế và xây dựng thành công đập cọc ở vị trí đập Thảo Long hiện tại, góp phần giảm mặn cho sông Hương nhưng chưa thể tận gốc bởi những cánh cửa gỗ vẫn có khe hở, bởi đáy đập bằng đá hộc nên nước mặn vẫn thẩm thấu qua dễ dàng.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.