Làng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch-Quảng Bình) có địa hình chạy dọc bờ biển đoạn có nhánh sông Dinh chảy ra biển nên tạo điểm xung yếu sạt lở, đe dọa đời sống người dân trong mùa mưa bão.
Người dân Nhân Trạch đã tập trung xây dựng được khoảng 1,8km tuyến đê, kè ven biển để góp phần hạn chế sự xâm thực và sạt lở bờ do sóng biển gây ra.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế nên còn khoảng 1,5km đoạn bờ biển chưa có biện pháp che chắn. Đặc biệt có khoảng 700m có dân cư đông đúc sinh sống cũng là đoạn xung yếu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân.
Từ nguồn vốn của Chính phủ, dự án Kè biển Nhân Trạch được triển khai xây dựng. Tuyến kè dài khoảng 600m được bê tông để bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Cuối năm 2012, kè được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Mưa lớn ảnh hưởng bão số 8 kèm sóng biển đã đánh sập trên 50 m kè xung yếu. Những đoạn kè còn lại đang bị những con sóng lớn từ 2-3m đe dọa nghiêm trọng.
Để hạn chế sóng biển xói lỡ đất biển, huyện Bố Trạch đã huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển đá học đổ chèn vào những phần kè biển bị hư hại.
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay: “Trước mắt, chúng tôi tập trung chèn đá hộc để ngăn chặn và hạn chế sóng đánh vào thân kè, lấn vào đất liền gây sạt lỡ lớn, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân”.
Khi những trận mưa lớn đã mỏng dần, huyện Bố Trạch đã huy động khoảng 200 nhân lực là đoàn viên thanh niên, lực lượng quân đội, ngư dân cùng thiết bị, máy móc khẩn trương gia cố lại những đoạn kè biển bị sập.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bố Trạch cho biết, đã cung ứng trên 100 m3 đá hộc, 4.000 bao cát, 200 m2 vải địa và ngàn khối cát được vận chuyển đến để ngăn chặn sóng biển, “cứu” đê kè.
Đoạn kè xung yếu bị sóng đánh sập được trãi lớp vải địa, sau đó cát được cho vào bao và xếp lớp dày. “Tiếp đến là đá hộc sẽ được xếp lên mặt để chèn và hạn chế tác hại sóng biển”- ông Long nói thêm.
Tham gia nhiệm vụ gia có đê kè, thanh niên Nguyễn Văn Toàn (xã Nhân Trạch) cho hay: “Chúng tôi cố gắng hạn chế sóng biển đánh vào làm hư hại thêm tuyến kè này. Có được lớp bảo vệ, kè sẽ được giữ vững, sau này còn được gia cố vững chắc hơn”.