| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Đi thuyền trong phố và đã có thiệt hại về người

Chủ Nhật 11/10/2020 , 18:17 (GMT+7)

Mưa lớn liên tục khiến nhiều địa phương ở Quảng Nam ngập chìm trong nước. Đã có nhiều thiệt hại về người và tài sản ở địa phương này.

Nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam ngập sâu trong nước. Ảnh: L.K.

Nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam ngập sâu trong nước. Ảnh: L.K.

Mưa lớn chồng mưa lớn

Từ ngày 6/10 đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã hứng chịu liên tiếp những đợt mưa lớn đến vài trăm mm kéo theo nước trên các con sông lên cao. Một số nơi như tại Ái Nghĩa trên sông Vu Gia và Hội An trên sông Thu Bồn có lúc nước lên trên báo động III gây nên hiện tượng ngập úng cục bộ.

Đến trưa 11/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, một đợt mưa lớn tiếp tục trút xuống tỉnh này làm cho tình trạng ngập úng thêm trầm trọng hơn. Ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam, tại các huyện như Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình và TP Tam Kỳ đều có nhiều vùng bị nước lũ ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1,5m.

Trong số các địa phương này, vùng rốn lũ ở huyện Đại Lộc và TP Hội An bị ngập sâu nhất. Một số xã như Đại Hưng, Đại Cường (huyện Đại Lộc), khu phố cổ TP Hội An bị nước cô lập, các tuyến đường giao thông phương tiện không thể di chuyển. Do đó, người dân chỉ còn cách đi lại duy nhất là sử dụng ghe thuyền.

Các tuyển đường giao thông đường bộ bị nước bao vây, người dân sử dụng ghe thuyền để di chuyển. Ảnh: L.K.

Các tuyển đường giao thông đường bộ bị nước bao vây, người dân sử dụng ghe thuyền để di chuyển. Ảnh: L.K.

Đây là đợt mưa đầu mùa nên ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các hồ chứa thủy lợi, thủy điện điều chỉnh mực nước hồ dưới mức đón lũ thấp nhất để đề phòng các đợt mưa lớn sắp tới.

Tuy nhiên, vì lượng mưa quá lớn nên một số thủy điện như A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đã vượt mực nước này và phải xả lũ. Điều này đã đưa một lượng nước lớn về hạ du đã làm tình trạng ngập lụt thêm nặng hơn.

Ông Lê Thành Trung (trú huyện Đại Lộc) cho biết, hầu như năm nào gia đình cũng phải chống chọi với tình trạng ngập lụt. Năm nay, tuy mới bước vào đầu mùa mưa lũ nhưng địa phương đã phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn kéo dài, nước sông lên nhanh. Căn nhà của gia đình ông bị ngập sâu đến hơn 1m.

Người dân chuyển đồ đạc lên cao để tránh thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: L.K.

Người dân chuyển đồ đạc lên cao để tránh thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: L.K.

“Hết ảnh hưởng của áp thấp rồi đến bão khiến cho tình trạng ngập lụt cứ kéo dài. Vì đã sống quen với lũ nên trước khi nước tràn vào đến nhà, gia đình tôi nhanh chóng di chuyển đồ đạc lên cao và sẵn sàng di chuyển người đến nơi an toàn. Nghe nói mưa còn kéo dài nhiều ngày tới, không biết người dân chúng tôi phải làm thế nào để chống chọi nếu như nước lên cao hơn”, ông Trung lo lắng nói.

Mất mát tính mạng đến nhà cửa, hoa màu

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Đại Lộc, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có khoảng 2.500 ngôi nhà bị ngập. Địa phương đã tiến hành rà soát những hộ gia đình bị ngập sâu, có nguy cơ mất an toàn cao để di chuyển đến nơi an toàn. Đến nay, huyện này đã thực hiện di dời xen ghép 182 hộ với 523 nhân khẩu đến nơi cao ráo, kiên cố.

Lực lượng chức năng đưa người dân vùng ngập nước đến nơi an toàn. Ảnh: L.K.

Lực lượng chức năng đưa người dân vùng ngập nước đến nơi an toàn. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã điều động 20 cán bộ, chiến sĩ về huyện Đại Lộc thiết lập Sở chỉ huy PCTT-TKCC phía Bắc, chủ động ứng phó các tình huống trước sự diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam ghi nhận đã có 3 người chết và 2 người mất tích do mưa lũ, trong đó có 1 người bị điện giật trong lúc dọn đồ tránh lũ. Thương tâm hơn là 2 vợ chồng trẻ là L.T.Q (26 tuổi) và chị L.T.H.S (23 tuổi, trú phường Điện Thắng Trung, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Trong lúc đi ăn cưới ở xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) trở về qua tuyến đường ĐT609B (đoạn qua xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) thì 2 vợ chồng anh Q. và chị S. bị nước lũ cuốn trôi. Thi thể 2 người sau hơn 15 giờ mất tích mới được lực lượng chức năng tìm thấy.

Ngoài ra, ông Nguyễn D. và con trai là Nguyễn Phúc Đ. (trú thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trong lúc đang ngủ trên tàu cá neo đậu trên sông Trường Giang thì bị lốc xoáy đánh chìm. Đến nay, 2 cha con công D. vẫn chưa có tin tức.

Đã có những thiệt hại đáng tiếc về người, tuy nhiên trong những ngày tới, tỉnh Quảng Nam vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với mưa lũ. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 24 - 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 11/10 đến hết ngày 13/10 ở các địa phương phổ biến từ 250 - 450mm.

Cũng theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, đến nay, tỉnh này đã sơ tán 553 hộ dân với 1.677 nhân khẩu. Toàn tỉnh có 3 ngôi nhà thiệt hại trên 70%, 2 nhà thiệt hại rất nặng, 23 nhà thiệt hại nặng, 71 nhà bị thiệt hại dưới 30%. Có 30 điểm trường bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và sạt lở đất.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 387ha lúa, 380ha rau màu, 5ha cây trồng lâu năm, 21ha cây trông hàng năm bị thiệt hại hoàn toàn; 10 con gia súc, 2.610 con gia cầm bị chết, 585m kênh mương bị sạt lở. 1.650m3 đất bồi lấp các công trình thủy lợi, 1km bờ sông và 2,5km bờ biển bị sạt lở. Về giao thông đường quốc lộ có 68 điểm sạt lở, bồi lấp với khối lượng khoảng 53.000m3.

“Để khắc phục hậu quả do mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam đã rà soát, kiểm tra các điểm ngập lụt để đặt cảnh báo đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các địa phương di dời các hộ bị ngập nước đến nơi an toàn.

Với các gia đình bị thiệt hại, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ. Ngoài ra cũng sẽ tiến hành hỗ trợ về lương thực thực phẩm, bố trí chỗ tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị mất nhà cửa. Quan trọng nữa là đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ”, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam thông tin.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.