Sáng sớm nay (11/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 trên Biển Đông năm 2020 và có tên quốc tế là Linfa. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp khẩn cấp chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó bão số 6 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: "Cần triển khai ngay phương án ứng phó với bão và hoàn lưu bão số 6; tập trung công tác cứu trợ, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; tăng cường công tác hướng dẫn người dân đi qua các khu vực ngập sâu, chảy xiết; rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…"
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.
Lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Huế) có xu hướng giảm, sông Hương tại Kim Long (Huế) dao động ở mức cao (có xu hướng tăng); hạ lưu sông Thu Bồn, sông Vu Gia (Quảng Nam) đang có xu hướng tăng; sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), đang xuống.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tình hình tại 6 tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có tổng cộng 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m. Tổng số hộ bị ngập là 109.034 hộ tăng 75.418 hộ so với ngày 09/10.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 06h00 ngày 11/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.882 phương tiện/231.908 lao động. Trong đó: Hoạt động khu vực giữa biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa: 436 phương tiện/3.304 người; Hoạt động khu vực khác: 4.703 tàu/35.485 người; Neo đậu tại các bến: 39.743 tàu/193.119 người.
Đê biển khu vực từ Nghệ An - Bình Thuận có 64 vị trí xung yếu, dài 148,4km cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ. Đáng chú ý là sự cố sạt lở 80 m đê Tả Nghèn (cấp 4), xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện địa phương đã tổ chức kiểm tra và theo dõi diễn biến sự cố.
Do ảnh hưởng ngập lụt, nhiều hộ dân phải sơ tán tại chỗ, hoặc sơ tán tập trung. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tổ chức sơ tán 10.761 hộ/31.295 khẩu (chủ yếu tại chỗ).
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 22/CĐ-TW ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và bão số 6.
Sau cuộc họp này, Bộ NN&PTNT khẩn trương cử các đoàn kiểm tra, rà soát hệ thống hồ thủy lợi; hướng dẫn nông dân thu hoạch, bảo vệ, khôi phục diện tích sản xuất nông nghiệp và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tái đàn…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổng hợp kiến nghị của các địa phương báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch bệnh cho người dân vùng thiên tai…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.