| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Mùa "săn" tôm hùm nhí

Thứ Tư 30/12/2009 , 11:13 (GMT+7)

Kích cỡ rất bé, thế nhưng giá của tôm nhí có lúc lên đến 150.000 đồng/con. Gần 10 năm qua, nghề đánh bắt tôm nhí mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ ngư dân vùng ven biển ở Quảng Ngãi.

Mùa đánh bắt tôm hùm nhí (tôm hùm con) ở Quảng Ngãi thường bắt đầu vào khoảng tháng 11 âm lịch và kết thúc vào khoảng tháng 4 âm lịch của năm sau.

Trên 1.000 tàu thuyền của hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt tôm nhí ở xã Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải (huyện Bình Sơn); xã Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh); Phổ Quang (huyện Đức Phổ). Giá cả thì tuỳ theo từng thời điểm, từ 80 – 100 ngàn đồng/con, có thời điểm lên trên 150 ngàn đồng/con. Đa số tôm nhí đánh bắt được ở Quảng Ngãi được khoảng trên 12 đầu mối tại địa phương thu mua, sau đó đem bán lại cho những hộ nuôi tôm các huyện Sông Cầu, Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) và Vạn Giã, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Kích cỡ chỉ bằng, hoặc lớn hơn đuôi que nhang một chút, thế nhưng giá của tôm nhí có lúc lên đến 150.000 đồng/con. Gần 10 năm qua, nghề đánh bắt tôm nhí mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ ngư dân vùng ven biển ở Quảng Ngãi.

Anh Nguyễn Hữu Cầu ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - một chủ đầu mối thu mua tôm nhí tại địa phương cho biết, cách đây chừng 10 năm, ngư dân xã Bình Châu đã học nghề “săn tôm hùm nhí” của các ngư dân ở Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), Vạn Giã (tỉnh Khánh Hòa). Rồi dần dần truyền lại cho ngư dân các xã trong tỉnh.

Khoảng gần 10 năm về trước, nhiều vùng quê ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt cá là công việc chính. Tuy nhiên, nguồn hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, trong khi phương tiện đánh bắt phần lớn công suất nhỏ, không đủ sức vươn đến những ngư trường xa bờ, vì vậy thu nhập sau mỗi lần ra khơi chẳng là bao. Thế nhưng, từ khi chuyển sang đánh bắt tôm hùm nhí, cuộc sống của nhiều ngư dân trở nên khá lên hẳn.

Cựu lão ngư Huỳnh Văn Thuấn ở xã Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), cho biết: Không đòi hỏi phải đóng thuyền to, máy lớn và vốn đầu tư nhiều, tổng số tiền mua sắm phương tiện, ngư cụ để đánh bắt tôm nhí chỉ khoảng chừng 30 - 40 triệu đồng, bằng khoảng 1/10 so với đóng phương tiện đánh bắt khác. Còn chi phí cho mỗi chuyến đi cũng chỉ từ 200 – 400 ngàn đồng, bằng một phần ngàn so với phí tổn cho mỗi chuyến đi đánh bắt cá xa bờ, thế nhưng lợi nhuận mang về cao hơn hẳn so với đánh bắt cá.

Nguồn tôm nhí ở Quảng Ngãi có từ tự nhiên, vì vậy thu nhập của người đánh bắt không ổn định, mang tính “may, rủi” và tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của từng ngư dân. Có người mỗi đêm đánh bắt được 200-300 con, bán được 20-30 triệu đồng; có người mỗi đêm đánh bắt chỉ được vài con. Bình quân mỗi tàu, thuyền có 3-4 người, sau khi trừ chi phí xong, mỗi ngư dân thu được khoảng 200 – 400 ngàn đồng/người/đêm. Mức thu nhập này cao hơn gấp nhiều lần so với đánh bắt cá trước đây. Do đó số người tham gia đánh bắt tôm hùm nhí ngày càng nhiều.

Vào những ngày đầu tháng 11 âm lịch này, mặc cho tiết trời cuối đông giá lạnh và bầu trời phủ đầy mây xám, ngư dân trong vùng vẫn í ới gọi nhau khiêng lưới cùng các vật dụng khác xuống thuyền để chuẩn bị cho ra khơi. Màn đêm vừa buông xuống, hàng trăm chiếc thuyền ở các bến ven biển Quảng Ngãi từ từ quay mũi, nối đuôi nhau rẽ sóng tiến về phía dãy rạng (đá ngầm) nằm cách bờ chừng 3 hải lý để bắt đầu cho một đêm “săn” tôm nhí.

Tại huyện Bình Sơn, ở thôn Châu Thuận và thôn Định Tân, xã Bình Châu đã có trên 200; xã Bình Thuận có trên 100; xã Bình Hải có khoảng 60 tàu thuyền hành nghề “săn” tôm nhí. Ngoài cách giăng lưới trên rạng (đá ngầm), nhiều ngư dân sử dụng bình hơi để lặn xuống, rồi dùng tay để bắt; cách bắt tôm con kiểu này đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe tốt, kinh nghiệm và nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Thông thường mỗi tàu thuyền có từ 4 - 5 thợ để thay nhau lặn, thời gian lặn mỗi lần từ 30 - 50 phút. Việc săn bắt tôm hùm con của ngư dân theo cách này diễn ra gần như quanh năm (trừ những khi biển động, nước quá đục).

Tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), có trên 200 hộ tham gia đánh bắt tôm hùm nhí. Còn ở xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ) chỉ tính riêng 2 thôn Hải Tân và Phần An đã có trên 100 tàu thuyền tham gia đánh bắt tôm hùm nhí. Đa số các ngư dân ở Tịnh Kỳ và Phổ Quang đều săn bắt tôm hùm con bằng cách giăng lưới trên rạng.

Tôm hùm là một trong những loài hải sản quý và rất có giá trị kinh tế. Với giá tôm thương phẩm trên thị trường thường 800.000đồng/kg, hiện nay là 1,1 triệu đồng/kg. Theo đó, nghề “săn” tôm hùm nhí cũng đã đem lợi nhuận lớn, mang lại ấm no cho hàng trăm hộ ngư dân Quảng Ngãi.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.