Ngày 6/2, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh có văn bản hướng dẫn hoạt động vận tải để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
"Mở cửa" cho hoạt động vận tải hành khách
Theo đó, từ 12h ngày 6/2, các tuyến vận tải vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy được hoạt động trở lại, trừ các tuyến đi đến các vùng phong tỏa tại thị xã Đông Triều, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) và tỉnh Hải Dương.
Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh yêu cầu các hãng xe khách chỉ được phép chở 50% số ghế trong mọi thời điểm. Các tuyến xe cố định chỉ được đón khách tại bến xe, không đón khách dọc đường. Sau khi đón khách phải lập danh sách hành khách và có xác nhận của đại diện bến xe.
Đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng, trước khi tổ chức đón khách phải lập danh sách hành khách trên xe, điểm đón/trả và thông báo đến Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh.
Ngoài ra, Sở yêu cầu các lái xe, nhân viên phục vụ trên các phương tiện phải làm xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước ngày 10/2 mới được bố trí làm việc. Trước khi đón khách phải tiến hành lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn tại các vị trí có tiếp xúc với hành khách, kết thúc ngày làm việc phải phun khử trùng toàn bộ xe.
Các nhà xe phải phổ biến cho hành khách thông tin về yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp và bố trí hành khách ngồi giãn cách giữa các hàng ghế. Bố trí khay chứa dung dịch sát khuẩn để khử khuẩn giày, dép trước khi cho hành khách lên xe. Nhân viên phục vụ trên xe và khu bến bãi phát phiếu khai báo y tế cho hành khách khai báo.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh công bố đường dây nóng tiếp nhận mọi phản ánh của người dân về việc không thực nghiêm công tác phòng chống dịch qua số điện thoại 0889009889.
Trao đổi với PV Nông nghiệp Việt Nam sau khi có quyết định "mở cửa" vận tải hành khách, ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện nhu cầu về quê của người dân rất lớn nên tỉnh tạo điều kiện.
"Cái này là tháo gỡ cho bà con nào thật sự cần thiết chứ không khuyến khích. Bởi không cho đi thì nhiều người lại nườm nượp kéo ra tìm cách đi bộ qua chốt, nguy cơ lây dịch còn hơn là ngồi trên xe cho nên chúng tôi phải tìm cách tháo gỡ", ông Hùng nói.
Đối với Quảng Ninh tạo điều kiện như vậy nhưng ông Hùng cũng trăn trở, chưa rõ các địa phương lân cận có cho vào hay không, hay vào lại đưa đi cách ly, vì Thủ tướng giao cho các địa phương có tự quyền.
"Ví dụ như đi cao tốc có thể không sao nhưng đi đường 10 có thể họ sợ dân mình lại tạt vào đâu đấy lúc ấy khó kiểm soát”, ông Hùng lo ngại và cho biết Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đang làm văn bản gửi cho các Sở đối lưu, để họ nắm được tình hình đối lưu lại, có bố trí xe đón hay không.
"Mỗi địa phương có cách ứng xử khác nhau. Mình khoanh được dịch rồi nên mình mới mở, còn người ta mình chưa biết thế nào", ông Hùng cho hay.
Hải Phòng kiểm soát tất cả những người ra vào thành phố
Trước đó, chiều 5/2, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan kiểm soát tất cả các trường hợp ra và vào thành phố từ 12h00 ngày 6/2/2021.
Đối với người vào Hải Phòng phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã tại nơi đi nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố, đối với người ra khỏi Hải Phòng phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về lý do, lịch trình đi và khi trở lại.
Lực lượng chức năng chỉ cho phép vào thành phố đối với các người từ các địa phương không có dịch, có xác nhận của UBND cấp xã nơi đi và đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Và chỉ cho phép ra khỏi thành phố đối với những người đã có xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi cư trú.
Với những người về địa bàn TP Hải Phòng sau 12h ngày 6/2/2021, nếu không có Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi đi hoặc những người đến từ tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh, các vùng có dịch tại các tỉnh, thành phố khác, khi phát hiện ở trên địa bàn thì tổ chức đưa ngay về các khu cách ly tập trung của thành phố.
Trong trường hợp quay trở lại Hải Phòng mà qua các vùng có dịch thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định và người bị cách ly phải chịu các chi phí để thực hiện cách ly. Đối với các trường hợp cố tình không đi cách ly y tế tập trung thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Để đảm bảo thực hiện tốt chỉ đạo này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu thành lập thêm chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại chân Cầu Nghìn và tăng thêm lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch Covid1-19 tại các chốt cửa ngõ thành phố.
Mặt khác, giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc cấp giấy xác nhận cho người dân và chịu trách nhiệm về việc đó. Đối với các tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở thôn, tổ dân phố, ngoài việc truy vết theo chỉ đạo, sẽ tập trung rà soát người mới về địa bàn phụ trách.