| Hotline: 0983.970.780

‘Quảng Ninh là hình mẫu để phát triển nông nghiệp’

Chủ Nhật 12/12/2021 , 16:25 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao năng lực nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh cần những bước đột phá để phát huy lợi thế sẵn có.

Trong 2 ngày 11-12/12, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng đoàn công tác đã khảo sát tình hình hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy hải sản sang thị trường Trung Quốc qua địa bàn TP Móng Cái - Quảng Ninh. Sau đó, đoàn có buổi làm việc với Sở NN-PTNT Quảng Ninh về vấn đề phát triển nông nghiệp chất lượng cao trong tỉnh.

Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tăng mạnh

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ, lãnh đạo TP Móng Cái cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động XNK, đặc biệt là sản lượng thông quan nông sản hoa quả, thủy sản.

Thành phố Móng Cái đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa XNK; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (bao gồm người, phương tiện, hàng hóa) gắn với hoạt động xuất khẩu đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện với mục tiêu cao nhất là đảm bảo địa bàn thành phố, khu vực cửa khẩu, lối mở an toàn, là nền tảng duy trì hoạt động xuất nhập khẩu; tổ chức sắp xếp, phân luồng hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả xuất khẩu thông suốt, giảm chi phí, được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao.

Kim ngạch hàng hóa XNK 11 tháng của tỉnh Quảng Ninh đạt 3.522 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Nguyễn Thành.

Kim ngạch hàng hóa XNK 11 tháng của tỉnh Quảng Ninh đạt 3.522 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh và TP Móng Cái cũng đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, khởi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, hình thành chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa nông sản nhằm giảm chi phí, góp phần tăng sức cạnh tranh.

Từ đó, kim ngạch hàng hóa XNK 11 tháng đạt 3.522 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020 (xuất khẩu đạt 1.668 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.854 triệu USD); tổng kim ngạch hàng nhập sản xuất, nhập gia công năm 2021 thông quan qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II đạt 12.286 triệu USD, tăng 85% so cùng kỳ 2020. Thu hút 367 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 765 doanh nghiệp làm thủ tục XNK (tăng 11% so cùng kỳ 2020). Tổng trọng lượng hàng hóa từ 01/01/2021 – 10/12/2021 đạt 1.841.042 tấn, tăng 98% so cùng kỳ 2020; các mặt hàng chủ yếu là hoa quả, bột sắn, thủy hải sản, tôm cua sống, hạt khô, Hàng hoa quả Thái Lan quá cảnh đạt 35.129 tấn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Móng Cái đã nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Bộ trưởng một số giải pháp nhằm thúc đẩy XNK nói chung, trong đó tham mưu đề xuất các chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy hàng nông sản, hoa quả, thủy sản xuất khẩu, nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng nông sản, hoa quả các nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc.

Nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản

Sau buổi làm việc tại Móng Cái, sáng 12/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tiếp tục chương trình làm việc với Sở NN-PTNT Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở NN-PNNT Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh có vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, có 14 vùng trồng cây ăn quả với sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn.

Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt, như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Song Hành, Công ty CP Công nghệ Sơn Linh...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Đối với năng lực cấp đông nông sản của các đơn vị trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 380 tấn/ngày; năng lực bảo quản đông lạnh đạt khoảng 12.000 tấn. Có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tháng 7/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết. Đây được coi là cơ hội rộng mở để nông sản Quảng Ninh mở rộng thị trường. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới cách thức sản xuất, nuôi trồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh để hướng tới người tiêu dùng và xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao.

“Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực, giai đoạn 2020-2025 nhằm tiếp tục quan tâm dài hơi hơn đến việc nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản. Mục tiêu đề án không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.”, ông Nguyễn Minh Sơn nói.

Tạo nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Qua câu chuyện của một ngôi làng từng là địa phương nghèo nhất Nhật Bản, nhưng nhờ trồng xà lách sạch, mỗi gia đình tại làng Kawakami có thể kiếm 25 triệu yên mỗi năm, theo Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan, người nông dân muốn thành công thì không chỉ làm nông nghiệp bằng phân bón, thuốc hay hóa chất, mà phải làm bằng cả trái tim. Người nông dân không bán sản phẩm mà bán niềm tin nơi người tiêu dùng. Vì khi sản phẩm đạt sự tin tưởng, có chỗ đứng với người mua thì khi đó sản phẩm sẽ được trả giá rất cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không cần thiết phải sản xuất nông nghiệp một cách “máy móc” là phải có quy mô lớn, mà cần quan tâm đến mục đích làm nông nghiệp. “Quảng Ninh cần có một slogan rõ ràng về vấn đề “nông nghiệp là gì?”, để từ đó đi vào thực tiễn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng, những người dân tộc sinh sống ở vùng núi cao có thể kết hợp làm nông nghiệp như trồng rau, trồng hoa… với du lịch nhờ địa thế, địa hình sẵn có. “Đó là nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, kết hợp giữa tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và sự đổi mới sáng tạo. Những vùng núi của Quảng Ninh đều hội tụ những điều đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nông nghiệp Quảng Ninh gắn liền với bữa ăn hàng ngày của khách du lịch mỗi khi đến nơi đây. Từ những loài thủy hải sản cho đến những sản phẩm trên rừng, điều đó tạo nên sự khác biệt của Quảng Ninh so với các địa phương khác. Nhờ đó, người nông dân Quảng Ninh có thể tự hào về các sản phẩm nông nghiệp phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là với khách du lịch thập phương. Và niềm tự hào đó gắn liền với lợi nhuận từ giá trị mà người nông dân tạo ra.

Quảng Ninh có lợi thế là địa phương có ngành du lịch phát triển, mỗi năm có hàng triệu lượt khách. Chính vì vậy, tỉnh cần tận dụng lợi thế đó để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, và ngược lại, từ sản phẩm nông nghiệp đó sẽ lôi cuốn, hấp dẫn thêm khách du lịch đến với Quảng Ninh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cùng Sở NN-PTNT cần những bước đột phá để phát huy lợi thế sẵn có, từ đó nâng tầm nông nghiệp của tỉnh. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Quảng Ninh cũng cần quan tâm đến cây dược liệu, đặc biệt là các sản phẩm dược liệu đã qua chế biến. Bởi địa thế Quảng Ninh nhiều đồi núi, thích hợp trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, nhằm đa dạng hóa sản phẩm.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.