| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Linh hoạt trong công tác phòng chống thiên tai

Thứ Hai 10/05/2021 , 13:23 (GMT+7)

Ngoài nâng cao chất lượng 'nguyên liệu' tự nhiên trong phòng chống thiên tai, tỉnh Quảng Ninh còn đang tu sửa, xây mới nhiều công trình đảm bảo ứng phó mùa mưa bão cận kề.

Nâng cao chất lượng vùng lá chắn tự nhiên

Giữa tháng 7/2020, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt 22 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài hơn 68,2km tại 15 xã, phường, thị trấn của 6/9 huyện, thành phố có biển trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương sớm khoanh vùng, điều chỉnh quy hoạch cần thiết nhằm bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai (PCTT).

Đơn cử, tại từng ngập mặn (RNM) thôn Cái Khánh, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, các đơn vị tham vấn cho rằng chúng có chức năng bảo vệ tuyến đê trọng yếu thôn Cái Khánh với trên 1.000 hộ dân trong đê. Ngư dân trong xã Đông Hải coi RNM thôn Cái Khánh là "lá chắn tự nhiên" bảo vệ an toàn cho những ngôi làng phía trong đê.

Tuy nhiên, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, khu vực RNM thôn Cái Khánh thường xuyên xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm phạm đến hệ sinh thái, một số ngư dân xã cũng chưa biết cách khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, dẫn tới bị cạn kiệt dần. Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, khiến một phần diện tích RNM bị thu hẹp, từ đó giảm đa dạng sinh học, biến động môi trường sinh thái biển.

Hệ thống rừng ngập mặn ở Quảng Ninh đang thể hiện rõ vai trò trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Anh Thắng.

Hệ thống rừng ngập mặn ở Quảng Ninh đang thể hiện rõ vai trò trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Anh Thắng.

Nhận thấy tình hình trên, RNM thôn Cái Khánh được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch vào khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, ngày càng được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Màu xanh của những cánh rừng sú, vẹt trong RNM thôn Cái Khánh đang dần được hồi sinh. “Việc đưa RNM thôn Cái Khánh vào khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là rất cần thiết, giúp địa phương khoanh vùng ranh giới hành lang bảo vệ thuận lợi hơn, qua đó hỗ trợ rất tốt cho công tác PCTT vào mùa mưa, bão”, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết.

Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã xây dựng các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển hệ thống RNM thành “lá chắn tự nhiên”, thành trì vững chắc bảo vệ đê điều, đầm ao thủy sản, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo thống kê, Quảng Ninh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có rừng ngập mặn RNM trên 22.000ha, tập trung ở nhiều địa phương: TP. Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn… chủ yếu cây mắm biển, tràm có chiều cao trung bình 1m.

Trong giai đoạn 2008 - 2014, Quảng Ninh đã trồng mới được hơn 1.700ha. Giai đoạn 2015 - 2020, địa phương tiếp tục triển khai 3 dự án gồm: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn tại thôn 1, xã Hải Đông (TP Móng Cái); Dự án nâng cấp đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và trồng RNM; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Nhờ bảo vệ tốt RNM nên hệ thống đê điều của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh được đảm bảo an toàn hơn. Hệ thống RNM phát triển còn giúp môi trường sinh thái ven sông, biển phong phú các loài thủy sản sinh sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có thể khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Ông Mạc Văn Xuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT Quảng Ninh) cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường các giải pháp và cơ chế chính sách như: Chính sách giao khoán, cho thuê đất rừng đến hộ gia đình theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, trong đó, ưu tiên giao khoán đất rừng cho người dân địa phương và cộng đồng dân cư; chính sách đầu tư theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT và các chính sách được hưởng lợi của chủ rừng... nhằm bảo vệ RNM tốt hơn.

Hiệu quả kinh tế và xã hội của thảm RNM ở Quảng Ninh nhiều năm gần đây được người dân các huyện, thị, thành phố đánh giá rất cao vì đem lại nhiều nguồn thu từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ đê điều, ngăn xâm nhập mặn, che chắn cho nhiều khu, cụm công nghiệp, công trình, làng mạc ven biển trước các trận cuồng phong.

Đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều trong mùa mưa bão

Những năm gần đây, thời tiết có những diễn biến bất thường, có khả năng ảnh hưởng đến an toàn các công trình đê điều, hồ đập. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho các công trình phòng, chống thiên tai, đồng thời nhanh chóng đẩy tiến độ xây dựng, tu bổ các công trình đê điều, hồ chứa nước trước mùa mưa bão.

Tại Quảng Ninh, hằng năm Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các công ty thủy lợi rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sở lập danh mục những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, tham mưu cho tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình là chưa đủ để đối phó với diễn biến ngày càng khốc liệt của thiên tai. Do vậy, các giải pháp phi công trình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống. Với giải pháp này, các phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ; sẵn sàng chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) được các đơn vị, địa phương hết sức chú ý nghiên cứu, vận dụng vào từng tình huống, điều kiện cụ thể để triển khai, trong đó công tác chuẩn bị ứng phó được đặc biệt quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT, để làm tốt phương châm này, thời gian tới Sở NN-PTNT sẽ tham mưu tỉnh chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên và tìm kiếm cứu nạn tại các ngành, địa phương, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Tổ chức kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn. Căn cứ vào diễn biến, tình huống thiên tai đã xảy ra để xác định từng vùng trọng điểm, xây dựng phương án bảo vệ của từng vùng; đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác, chủ động phát hiện các sự cố công trình, các hành vi vi phạm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác, quản lý vận hành các công trình đê điều, hồ đập cũng được tăng cường.

Thi công đập tràn công trình hồ chứa nước Quất Đông, xã Hải Đông, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: CTV.

Thi công đập tràn công trình hồ chứa nước Quất Đông, xã Hải Đông, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: CTV.

“Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng, hoàn chỉnh phương án vận hành hồ,  đảm bảo an toàn vùng hạ du cho từng hồ. Khi có dự báo tình huống mưa lớn, các đơn vị quản lý hồ chứa, căn cứ phương án, thực trạng hồ, triển khai ngay việc hạ mực nước, tháo nước đệm đề phòng lũ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng khắp về công tác phòng chống và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai”, ông Công nói thêm.

Mới đây, Sở NN-PTNT đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, gồm 5 vùng: Vùng số 1 - đê Hà Nam, TX Quảng Yên; Vùng số 2 - dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; Vùng số 3 - dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; Vùng số 4 - đê tả sông Kinh Thầy, TX Đông Triều; Vùng số 5 - hồ chứa nước Yên Lập. Trên cơ sở này, các địa phương của tỉnh chủ động tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Sẵn sàng ứng phó

Quảng Ninh hiện có 183 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102ha, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha; 394 đập dâng; 366,117km đê các loại. Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các đơn vị, địa phương trong tỉnh có nhiều phương án ứng phó.

Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh) cho hay, hiện các hồ chứa nước vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn mùa mưa lũ năm nay. Mặc dù các công trình thủy lợi, đê điều được nâng cấp, tu bổ, tuy nhiên tình trạng hư hỏng chủ yếu xảy ra ở các hồ chứa nhỏ, đê điều do địa phương cấp huyện quản lý, tiềm ẩm nguy cơ mất an toàn. Trước diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan của thời tiết, để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, công tác duy tu, sửa chữa cần được triển khai thường xuyên hơn nữa, nhất là việc nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi loại vừa và đê điều cấp IV trở lên…

Đinh Mười

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...