Vài ngày gần đây, trên địa bàn một số khu đô thị, thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều,… xuất hiện tình trạng mất điện kéo dài trong nhiều giờ.
Mấy ngày qua cũng là thời điểm thời tiết rất nắng nóng. Gia đình có người già, trẻ nhỏ đã phải di tản người thân đến những khu vực có điện để ở nhờ vào buổi tối hoặc ban ngày đến các trung tâm thương mại để tránh nóng.
Theo đại diện Công ty điện lực Quảng Ninh, việc cắt điện liên tục trong những ngày qua đều do sự điều động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện khi nắng nóng gay gắt kéo dài.
EVN Quảng Ninh cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 31/5, công suất tiêu thụ điện toàn tỉnh đạt 930,3 MW (tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2022). Để đảm bảo không gây mất điện và an toàn cho hệ thống, EVN Quảng Ninh cùng Sở Công thương thường xuyên bám sát Trung tâm Điều độ Hệ thống điện để điều tiết mức giảm thấp nhất có thể, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khách hàng và đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết và suy giảm công suất ở một số nhà máy nhiệt điện trên toàn miền Bắc, EVN Quảng Ninh được A0 yêu cầu phải tiết giảm công suất khẩn cấp đến mức là 158,7MW.
Vì vậy, trong ngày hai ngày 1-2/6, EVN Quảng Ninh đã phải cắt giảm khẩn cấp luân phiên với 78/128 đường dây trung áp cấp điện trên địa bàn tỉnh từ Đông Triều đến Đầm Hà. Do việc cắt giảm diễn ra trong tình trạng khẩn cấp nên tại một số thời điểm ở một số khu vực, Công ty Điện lực Quảng Ninh không kịp thời gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng sử dụng điện.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang vào mùa cao điểm cho du lịch. Việc mất điện kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở Hạ Long, khiến cho nhiều khách sạn, nhà hàng lo lắng.
"Mình là dân địa phương, mất điện thì còn chịu được nhưng du khách đến nghỉ, nếu mất điện kéo dài họ sẽ trả phòng sớm để về, rất mất điểm", chị Yến, chủ một khách sạn tại Hạ Long than thở.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết Sở đã kiến nghị với Điện lực Quảng Ninh về thực trạng này.
"Nhưng Sở vẫn phải động viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ chia sẻ với khó khăn với ngành điện. Các cơ sở kinh doanh cần tăng cường các nguồn điện dự phòng để đáp ứng cơ bản các nhu cầu của du khách. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn vì chi phí sẽ tăng rất cao", ông Thủy lo lắng.
Trước khó khăn "bất khả kháng" của ngành điện, Điện lực tỉnh Quảng Ninh đề nghị người dân tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện (từ 11h30 đến 14h30 và từ 20h đến 22h hàng ngày); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.