Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. |
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 71: “Sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay”.
Tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vào sáng nay (29/5), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đọc tờ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông - Vận tải.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết: Qua việc thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi đó, bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý.
Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận tại phiên họp thứ 33, 34 và phiên họp ngày 24/5/2019, theo đó: “Thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”.
Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị:
- Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án tại của các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 15.487,22 tỷ đồng (trong đó 1.744,59 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm của các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của chính bộ, ngành và địa phương đó và 13.733,63 tỷ đồng từ dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại bộ, ngành và địa phương).
- Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và quyết định giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định.
- Bố trí 391,372 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại địa phương để bố trí, hoàn thành dứt điểm các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn.
- Bổ sung tiểu dự án “Đê Tiểu dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng” thay cho Tiểu dự án 1 “Đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp Đê, kè Bạch Đằng Đông)” của thành phố Đà Nẵng và thay tên dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc của Ban Tổ chức Trung ương thành Dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc của Ban Tuyên giáo Trung ương của Văn phòng Trung ương Đảng.
- Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn nước ngoài đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho tỉnh Lạng Sơn 19,43 tỷ đồng để thực hiện dự án Dự án Chuẩn bị Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh vùng Đông Bắc (gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn); tỉnh Hà Tĩnh 15,697 tỷ đồng để thực hiện dự án Chuẩn bị dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Thừa Thiên Huế 48,96 tỷ đồng để thực hiện dự án Cải thiện Dịch vụ Y tế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019: 19,279 tỷ đồng dự toán thu và chi đầu tư phát triển từ nguồn viện trợ không hoàn lại của ABD để đầu tư hỗ trợ kỹ thuật dự án “Hiệu quả năng lượng cho cấp nước thành phố Hồ Chí Minh”.