| Hotline: 0983.970.780

Quy định mới ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật: Doanh nghiệp nói gì?

Thứ Tư 15/07/2020 , 17:32 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp muốn in hình ảnh khác trên nhãn thuốc BVTV để quảng cáo, thu hút người mua, thay vì phải in hết các nội dung bắt buộc về ghi nhãn trên bao bì.

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 13/7 có bài “Thực hiện ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo quy định mới” thông tin về việc kể từ ngày 1/8/2020, việc ghi nhãn đối với thuốc BVTV sẽ bắt buộc áp dụng quy định theo Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 (Thông tư 21) và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhận được ý kiến của đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam về vấn đề này.

Doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ

Theo tổ chức CropLife Quốc tế (CropLife International) cũng như các thành viên là CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam (trong đó có các thành viên là các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam): Nhãn thuốc BVTV là công cụ truyền thông chính cho nông dân về việc xử dụng các sản phẩm BVTV an toàn và hiệu quả.

Việc ghi nhãn theo Thông tư 21 và hướng dẫn GHS sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ rủi ro về sức khỏe, môi trường, trong đó có việc hướng dẫn, khuyến cao xử lí bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Ảnh: TL

Việc ghi nhãn theo Thông tư 21 và hướng dẫn GHS sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ rủi ro về sức khỏe, môi trường, trong đó có việc hướng dẫn, khuyến cao xử lí bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Ảnh: TL

Việc truyền tải thông tin một cách rõ ràng về hướng dẫn sử dụng an toàn và đảm bảo sức khoẻ là vấn đề đặc biệt quan trọng. Tổ chức CropLife Quốc tế, thông qua các hiệp hội thành viên và các công ty phát triển công nghệ hàng đầu thế giới những năm qua luôn phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý để phát triển nhãn dán sản phẩm một cách nhất quán với quy định của từng quốc gia.

CropLife cũng đã hợp tác với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để đảm bảo việc dán nhãn sản phẩm thuốc BVTV, cụ thể là những loại nhãn dùng tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) phải đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng và có tính ứng dụng cao với việc sử dụng.

Hệ thống Hài hoà hoá toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) cung cấp hướng dẫn phân loại hoá chất (trong đó có thuốc BVTV) theo từng mối nguy và đề xuất phương thức cung cấp các thành tố thông tin về mối nguy một cách hài hoà. Những thành tố thông tin này bao gồm các ký hiệu (ví dụ các hình đồ cảnh báo, câu cảnh báo, từ cảnh báo...) trên nhãn thuốc BVTV và Phiếu an toàn hóa chất (MSDS) phải được đi cùng với mỗi lô hàng.

Như vậy để thực thi một cách toàn diện và hiệu quả các qui định về ghi nhãn theo GHS các nhà sản xuất thuốc BVTV bắt buộc phải xây dựng “Phiếu an toàn hóa chất” (MSDS) cho toàn bộ các sản phẩm của mình và phải đảm bảo rằng nó được đi kèm theo mỗi lô hàng xuất ra.

Quy trình ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS dựa trên các cơ sở khoa học về những nguy cơ, rủi ro của thuốc BVTV, qua đó đưa ra các khuyến cáo cho nông dân.

Tổ chức CropLife đánh giá: Việc thực hiện ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS sẽ giúp hài hoà hoá ghi nhãn sản phẩm hoá chất công nghiệp (trong đó có thuốc BVTV) trên toàn cầu.

Đồng thời, các nguy cơ, rủi ro của thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người sẽ được xem xét đánh giá kỹ, được thông tin một cách rõ ràng và đẩy đủ nhất trên nhãn thuốc BVTV.

Tổ chức này cũng cho rằng trong quá trình triển khai các quy định về ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS, cơ quan quản lý Nhà nước về thuốc BVTV (Cục Bảo vệ thực vật) cần lựa chọn những nội dung bắt buộc ghi nhãn phù hợp với từng sản phẩm BVTV cũng như điều kiện áp dụng cụ thể trong nước, đặc biệt là cần cô đọng các nội dung thể hiện trên nhãn nhỏ để phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc sử dụng an toàn các sản phẩm thuốc BVTV, nhãn thuốc BVTV phải được thực hiện ghi hướng dẫn các quy trình sử dụng để quản lý các rủi ro có thể xẩy ra đối với người sử dụng đồng thời toàn bộ các sản phẩm thuốc BVTV đưa vào lưu thông phải có MSDS đi kèm.

Bên cạnh đó, việc thực thi ghi nhãn theo GHS cũng cần được phối hợp với các quốc gia khác nhằm tránh cản trở hoạt động thương mại cũng như cấp phép sản phẩm BVTV...

Doanh nghiệp "nội" kêu khó

Để triển khai việc thực hiện ghi nhãn thuốc BVTV theo quy định tại Thông tư 21 và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), thời gian qua, Cục BVTV đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, đóng gói, kinh doanh thuốc BVTV.

Doanh nghiệp 'biến tấu' nhãn mác thuốc BVTV thành ma trận những tên thuốc sai quy định, nhưng lại phàn nàn nhãn mác bao bì chật chội, khó ghi hết thông tin ghi nhãn theo quy định!? Ảnh: D.Đ.T

Doanh nghiệp "biến tấu" nhãn mác thuốc BVTV thành ma trận những tên thuốc sai quy định, nhưng lại phàn nàn nhãn mác bao bì chật chội, khó ghi hết thông tin ghi nhãn theo quy định!? Ảnh: D.Đ.T

Theo đó, một số doanh nghiệp, kinh doanh thuốc BVTV thời gian qua cũng cho rằng, việc triển khai ghi nhãn thuốc BVTV theo Thông tư 21 còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, quyền Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết qua tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp thuộc VIPA, một số doanh nghiệp cho rằng hiện nay, thị trường thuốc BVTV đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều loại bao bì thuốc BVTV được thiết kế rất nhỏ (có loại dưới 100ml đối với thuốc nước và dưới 100g) để phù hợp với đặc thù đồng ruộng manh mún tại Việt Nam. Trong khi đó, lượng thông tin bắt buộc phải ghi nhãn theo Thông tư 21 lại quá nhiều nội dung và dài, nên diện tích nhãn khó có thể ghi hết các thông tin bắt buộc này.

Một số ví dụ như: Nội dung ghi Hướng dẫn an toàn trên nhãn thuốc BVTV quá nhiều và dài, rất khó có thể ghi hết được các mục (6 nội dung); cất giữ, sử dụng và xử lí bao gói sau sử dụng (5 nội dung).

Các chỉ dẫn về sơ cứu, xử lý y tế, bảo quản, xử lý thuốc thừa, bao bì sau sử dụng cũng rất dài, choán gần hết diện tích của nhãn. Bên cạnh đó, khó có thể ghi hết thông tin các tổ chức, cá nhân đăng ký , phân phối trên nhãn chính vì có nhiều trường hợp phải ghi 4 -5 tổ chức, cá nhân.

Đại diện VIPA cũng cho rằng, hầu hết các nhãn, bao bì lưu thông có kích thước nhỏ, với yêu cầu cỡ chữ ghi trên nhãn phải đảm bảo không nhỏ hơn 8 (font chữ Times New Roman), khó đủ điện tích ghi hết các nội dung bắt buộc và toàn bộ hình đồ cảnh báo về nguy hại vật chất, nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường (độc cấp tính, ăn mòn/kích ứng da, tổn thương mắt nghiêm trọng/kích ứng mắt, gây nhạy hô hấp hoặc da, khả năng gây đột biến gen/tế bào mầm, khả năng gây ung thư, độc tính sinh sản...).

Liên quan đến những vấn đề này, Cục BVTV cho biết, đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai ghi nhãn theo Thông tư 21.

Tuy nhiên, Cục BVTV cũng khẳng định: Thông tư 21 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2015, và Bộ NN-PTNT cũng đã cho phép có giai đoạn chuyển tiếp lên tới 5 năm để các doanh nghiệp có điều kiện sử dụng hết lượng bao bì cũ. Vì vậy đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện ghi nhãn theo quy định mới tại Thông tư 21 (hạn cuối cùng phải thực hiện là từ ngày 1/8/2020).

Trước phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến việc nội dung ghi trên nhãn chính của vỏ bao thuốc BVTV dài, nhiều nội dung và khó có thể ghi hết, Cục BVTV cho rằng: Các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc BVTV được quy định chi tiết tại Chương X của Thông tư 21 phải đảm bảo một số thông tin bắt buộc theo quy định của quốc tế và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, cũng như phù hợp với các chủng loại, kích cỡ về bao bì thuốc BVTV hiện có trên thị trường Việt Nam.

Ghi nhãn thuốc BVTV đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thông tin cho nông dân những cảnh cáo, khuyến cáo về mối nguy, rủi ro trong quá trình sử dụng. Ảnh: TL.

Ghi nhãn thuốc BVTV đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thông tin cho nông dân những cảnh cáo, khuyến cáo về mối nguy, rủi ro trong quá trình sử dụng. Ảnh: TL.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lí thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết: Theo quy định, cỡ chữ ghi trên bao bì phải đọc được, yêu cầu cỡ chữ 8 là phù hợp và cỡ chữ đã rất nhỏ, nếu ghi kích cỡ bé hơn thì rất khó đọc.

Bên cạnh đó theo ông Đạt, mặc dù Thông tư 21 quy định thông tin bắt buộc ghi nhãn phải gồm 16 nội dung, tuy nhiên chỉ có 7 nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn chính, các nội dung còn lại sẽ được phép ghi trên nhãn phụ (với yêu cầu nội dung thông tin nhãn phụ phải bao gồm tất cả thông tin trên nhãn chính).

“Trên thực tế, nội dung ghi trên nhãn chính là rất ít. Còn các thông tin còn lại có thể in ra nhãn phụ, hoặc tờ rơi để đính kèm vào sản phẩm nên rất thuận lợi. Hiện nay, sở dĩ nhiều doanh nghiệp cho rằng bao bì quá bé, nên không thể ghi hết nội dung, là bởi có tình trạng họ muốn in hình ảnh khác trên nhãn thuốc BVTV để quảng cáo, hoặc tạo sự khác biệt theo từng địa phương, từng thị trường để thu hút người mua, thay vì phải nhường diện tích bao bì để ghi hết các nội dung bắt buộc về ghi nhãn”, ông Huỳnh Tấn Đạt nêu thực tế.

Xem thêm
Phân Bón Cà Mau bắt nhịp xu hướng nông nghiệp đô thị

TP.HCM Phát triển nông nghiệp đô thị là một xu hướng tại Việt Nam, đang được rất nhiều khách hàng là gia đình vùng đô thị quan tâm.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?