Để cụ thể hóa các cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất, các quốc gia châu Âu đã thông qua các dự luật nhằm cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, các công ty xuất, nhập khẩu sẽ phải truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu bán trên thị trường châu Âu có sản xuất tại các khu vực bị mất rừng hay không. Là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn vào thị trường châu Âu, ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều thay đổi trước quy định mới này.
Để thích ứng với các quy định mới trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có phiên họp với các hiệp hội, ngành hàng về quy định mới của EU về phòng chống phá rừng.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê sang châu Âu chiếm khoảng 42% tổng lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu hàng năm, trong đó xuất khẩu vào khối EU chiếm 39%. Để ổn định thị phần và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu nông sản sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống phá rừng đã được Hội đồng châu Âu thông qua và có hiệu lực từ 16/5/2023.
Quy định này cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Thời gian chuẩn bị sau khi luật có hiệu lực là 18 tháng đối với các tập đoàn lớn, 24 tháng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu tại việt Nam hầu hết là những tập đoàn lớn như: Nestle, JDE, Newman,... Vì vậy, quy định sẽ phải thi hành sau 18 tháng công bố, tức là vào ngay đầu năm 2025 đối với các tập đoàn lớn. Trong bối cảnh giá cà phê nhân xô đang ở mức đỉnh trong 15 năm qua (62.000 - 63.000 đồng/kg), việc đẩy mạnh hơn nữa hành động, thực thi quy định mới là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Hải Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành hàng cà phê Việt Nam (bản đồ rừng, đất nông nghiệp, đất cà phê). Bản đồ rừng phải phản ánh đúng thực trạng tại thời điểm 31/12/2020, cũng như có sự trùng khớp giữa bản đồ rừng và bản đồ địa chính. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và các địa phương của 11 tỉnh trồng cà phê khoanh vùng sản xuất theo mức độ nguy cơ gây mất rừng và tổ chức giám sát theo mức độ nguy cơ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Võ Hoàng Anh cho biết, các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã yêu cầu các sản phẩm cao su phải có chứng nhận sản xuất bền vững (FSC, PEFC).
Trong 938.000ha cao su tại Việt Nam thì 48% là cao su đại điền với hơn 100.000ha đạt chứng nhận PEFC. Việc sở hữu chứng nhận FSC hoặc PEFC cơ bản đã đáp ứng đầy đủ các quy định mới của EU về sản xuất nông sản không gây mất rừng. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện và duy trì hai chứng nhận trên rất lớn, trong chi kinh phí hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân rất hạn chế, khó có thể thực hiện.
Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan Châu Á - Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đề xuất Bộ NN-PTNT, cơ quan chuyên môn và các công ty cung cấp dữ liệu, hỗ trợ kĩ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát bảo vệ rừng, dữ liệu vườn trồng. Cùng với đó, đồng bộ dữ liệu này vào cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng do Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật quản lý, tiến tới xây dựng hệ thống cấp quốc gia về cơ sở dữ liệu về giám sát bảo vệ rừng.
Liên hệ với câu chuyện Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các quy định về phát triển bền vững của châu Âu là cơ hội để ngành nông nghiệp thay đổi và chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.
"Quy định trên thể hiện rõ nét sự biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Chúng ta không từ 'bị' nữa, đây là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại toàn bộ ngành hàng, thậm chí cả một nền nông nghiệp, hình ảnh đất nước. Chúng ta càng đối phó, càng hệ lụy lớn cho doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các hiệp hội, ngành hàng kích hoạt quan hệ hợp tác công - tư, trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nông dân. Đề nghị các cơ quan tham mưu của Bộ trình khung hành động, lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng để sớm có chương trình triển khai phù hợp với quy định mới của châu Âu.
Trong bối trên 140 quốc gia chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu cũng là các bên ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Đồng thời, “mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn bao trùm.”
Do đó, sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến rừng toàn quốc, bởi vậy bản đồ rừng để tham chiếu hoàn toàn có. Do vậy, Cục Kiểm lâm mong muốn có sự đồng hành của các đơn vị chức năng của Việt Nam và EU, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân để xác minh sớm nhất diện tích rừng bị mất.