Ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý Tài Nguyên nước và BĐKH Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm: “TP Cần Thơ đang trong tình trạng giống như TP.HCM cách đây 10 năm, và dự báo tương lai sẽ như TP.HCM, thậm chí kịch bản này sẽ diễn ra nhanh hơn. Quan điểm hiện đại đang được phổ biến trên thế giới nhìn nhận vai trò quan trọng của các giải pháp mềm và phi công trình để bổ sung cho các giải pháp truyền thống, trong đó vai trò của quy hoạch lại không gian phát triển đô thị là then chốt và cấp bách nhất”.
Hiện nay tình trạng ngập lụt ở các đô thị như TP.HCM và nhiều thành phố khác ở nước ta là một trong những vấn đề nan giải. Riêng TP Cần Thơ lớn nhất vùng ĐBSCL với tỷ lệ đô thị hóa 66%, sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số làm cho tốc độ đô thị hóa, nhất là đô thị hóa tự phát tại khu vực đô thị ngày càng cao và khó kiểm soát. Theo đó các vấn nạn về ô nhiễm môi trường, nguy cơ ngập sâu và kéo dài. Trong đó có tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề về an sinh xã hội đang đe dọa sự phát triển bền vững của thành phố và khu vực ĐBSCL.
Theo các chuyên gia thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề do BĐKH toàn cầu, trong đó ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng dễ bị tổn thương trên thế giới.