| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch nông thôn mới các xã, chậm đến bao giờ?

Thứ Tư 17/04/2019 , 09:10 (GMT+7)

Câu hỏi đó được đặt ra ở hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, báo cáo này đến báo cáo khác về nông thôn mới (NTM) của Thủ đô. Tuy nhiên không hiểu sao vẫn không có mấy tiến triển…

16-27-25__1
Vận chuyển mạ khay ra đồng

Nông thôn có gọn gàng, sạch sẽ và đáng sống hay không tất cả là nhờ phần lớn vào quy hoạch, trong đó có việc chi tiết hóa việc phân bổ không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội một cách hợp lý.

Trong 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì tiêu chí quy hoạch được đứng đầu tiên bởi vì đây là nền móng, là tiền đề tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các tiêu chí khác còn lại, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Quan trọng là thế nhưng quy hoạch nông thôn từ lâu ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn bị bỏ ngỏ, chỉ gần đây mới được thúc đẩy. TP Hà Nội đã bố trí vốn cho các huyện, TX rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xã (341 xã), quy hoạch xây dựng trung tâm xã 1/500 với 373 xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn 1/500 với 354 xã.

Tuy vậy kết quả đến nay mới có 166 xã đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung (tăng 19 xã so với cuối năm 2018), 46 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng trung tâm xã 1/500 (tăng 3 xã so với cuối năm 2018) và 31 xã được phê duyệt quy hoạch điểm dân cư nông thôn 1/500 (tăng 3 xã so với cuối năm 2018).

Quả là một tốc độ rất chậm, không đảm bảo theo kế hoạch chỉ đạo của Trung ương và TP là phải hoàn thành xong trong năm 2018. Khác với nhiều tỉnh, TP khác, do tính chất đặc biệt của Thủ đô nên các xã xây dựng NTM ở đây có những loại quy hoạch khác nhau. Có nhiều huyện các xã nằm hoàn toàn trong vùng phát triển đô thị, lại có những xã một phần nằm trong vùng đô thị, còn một phần nằm trong vùng nông thôn và nhiều xã nằm hoàn toàn trong vùng nông thôn.

Ví dụ như huyện Hoài Đức là địa phương được TP quy hoạch thành quận trong tương lai đang phải giải một bài toán khó, là làm sao để khớp nối giữa khu dân cư cũ và các khu đô thị mới. Đối với các xã nông nghiệp của huyện này do chưa có quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế vùng bãi nên mạnh ai nấy làm, gây nên tình trạng nhỏ lẻ và manh mún.

Sớm có quy hoạch nông nghiệp cho vùng bãi là ước mơ không chỉ của người dân mà còn của các lãnh đạo địa phương để có thể thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất và phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, hàng hóa lớn.

Ví dụ như huyện Quốc Oai dù đã phân loại ra gồm 2 xã nằm trong khu vực đô thị, 9 xã vừa nằm trong vùng phát triển đô thị vừa ngoài vùng đô thị và 9 xã nằm hoàn toàn trong vùng nông thôn nhưng việc quy hoạch vẫn khá chậm.

Thực tế đó đã cho thấy việc triển khai quy hoạch xây dựng NTM khác với quy hoạch đô thị. Điều đáng nói là, để đưa quy hoạch vào cuộc sống, đô thị khó một thì nông thôn phải khó mười.

Thực tế cho thấy ngay cả ở vùng đô thị Hà Nội dù có rất nhiều quy hoạch nhưng cái nọ chồng lấn nên cái kia, vênh so với cái kia, không có sự tiếp nối giữa các thời kỳ, các giai đoạn thì ở vùng nông thôn lại càng lộn xộn.

Những dự án đã được phê duyệt trước đây thì nay cập nhật, kết nối với quy hoạch mới thế nào, đặc biệt là những cái đã được phê duyệt của tỉnh Hà Tây cũ hồi chưa sáp nhập vào Hà Nội? Rồi quy hoạch ở vùng giáp ranh giữa đô thị với nông thôn phải tính toán ra sao đến những vấn đề nảy sinh như thu gom nước thải, rác thải...

Mớ bòng bong đó cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các sở, ban, ngành, các đơn vị quy hoạch và đặc biệt là sự quyết tâm của các địa phương.

Hà Nội đang triển khai 2 xã điểm về thực hiện quy hoạch tiêu chí mới trong NTM là Đông Hội của huyện Đông Anh và xã Võng Xuyên của huyện Phúc Thọ - đại diện cho xã NTM ở vùng đô thị và vùng thuần nông để rút kinh nghiệm, làm mẫu cho toàn thành phố.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.