Ngày 13/7/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành phố.
Chương trình đã xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế, các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo, phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, hình thành hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
Qua 3 năm thực hiện, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, chương trình đã tạo động lực cho địa phương, giúp doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến các HTX có thể tiếp cận với thị trường hiện đại một cách có hiệu quả.
"Các chương trình như Tuần lễ giới thiệu nông sản địa phương tại các siêu thị lớn, các sự kiện khuyến mại, giảm giá đã giúp quảng bá rộng rãi các đặc sản vùng miền, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Việc xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP cũng góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ vùng miền có kênh phân phối ổn định và dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra 4 vấn đề tồn tại. Đầu tiên, chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Nhiều sản phẩm vùng miền, đặc biệt là nông sản, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc yêu cầu về truy xuất nguồn gốc mà các hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi.
Chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là thách thức, bởi khoảng cách địa lý lớn và điều kiện giao thông chưa đồng bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển sản phẩm đến các trung tâm phân phối rất cao, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống.
Năng lực tiếp cận thị trường của nhiều hộ sản xuất, HTX tại các vùng khó khăn vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng kinh doanh, marketing hoặc ứng dụng công nghệ số. Dù các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm vùng miền lên nền tảng, nhưng mức độ tiếp cận và khai thác tiềm năng từ các kênh này còn thấp do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, một số chương trình hỗ trợ chưa đồng bộ và hiệu quả, theo ông Tuần. Dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đời sống kinh tế của người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, việc thực thi ở một số địa phương vẫn mang tính hình thức, chậm trễ hoặc chưa tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ.
Để khắc phục những vấn đề trên, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn TMĐT Nông sản Bưu điện (VNPost) cho rằng, hệ thống logistics của ngành bưu điện, với hơn 13.000 bưu cục trên toàn quốc và trải dài đến cấp xã là một lợi thế, nhất là với những mặt hàng tươi sống.
"Chúng tôi đang xử lý tối ưu về kho vận, đường line vận chuyển để thời gian giao hàng đến khách hàng một cách nhanh nhất", ông Tiến nói, và cho biết thêm, rằng đối với từng loại mặt hàng VNPost có những quy chuẩn đóng gói riêng, bảo quản riêng để đảm bảo được chất lượng khi đến tay khách hàng vẫn đảm bảo được chất lượng.
Đại diện VNPost cũng đề nghị người dân xây dựng sản phẩm khác biệt so với những sản phẩm đại trà trên thị trường, vừa đảm bảo chất lượng, vừa gia tăng giá trị văn hóa cho sản phẩm, gia tăng những câu chuyện hay về sản phẩm.
Kêu gọi sự vào cuộc của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan cũng là một trong những giải pháp mà Vụ Thị trường trong nước đưa ra. Phó vụ trưởng Bùi Nguyễn Anh Tuấn còn kêu gọi đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
"Chúng ta cần khuyến khích và hỗ trợ cho sự tham gia của không chỉ những doanh nghiệp lớn mà còn là những doanh nghiệp nhỏ, HTX thu mua các sản phẩm thế mạnh của bà con nông dân, liên kết với nhau trong chuỗi cung ứng, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước", ông Tuấn chỉ ra.
Thời gian tới, Vụ Thị trường Trong nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Công thương hướng dẫn địa phương tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.