| Hotline: 0983.970.780

Nhiều rào cản ở các xã miền núi

Thứ Ba 12/11/2024 , 16:00 (GMT+7)

Với những xã miền núi, việc đảm bảo các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tương đối khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn mới với nhiều chỉ tiêu nâng cao.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam, tính đến nay, việc triển khai xây dựng các tiêu chí NTM mới ở các vùng đồng bằng tương đối đúng với lộ trình đề ra. Tuy nhiên, để triển khai xây dựng các tiêu chí NTM ở vùng cao hiện nay rất khó khăn, nhiều xã đăng ký về đích NTM mới giai đoạn 2025 - 2030 nhưng khó có thể hoàn thành do còn gặp nhiều rào cản.

Các xã miền núi Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Các xã miền núi Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Tại xã Phước Trà (huyện Hiệp Đức) có đến hơn 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào cây keo và làm thuê. Thời gian vừa qua, địa phương này đã cố gắng triển khai các mô hình cũng như vận động người dân chung tay xây dựng NTM với mục tiêu sẽ đưa xã đạt chuẩn vào năm 2030. Thế nhưng, đến nay theo thống kê thì xã Phước Trà mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí.

Ông Hồ Văn Đông, Chủ tịch xã Phước Trà cho biết, do điểm xuất phát thấp nên nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, các tiêu chí giai đoạn mới nâng cao hơn so với trước đây. Trong khi đó, xã vẫn chưa có những mô hình sản xuất kinh tế mang lại hiệu quả cao dẫn đến thu nhập của bà con không được cải thiện nhiều.

“Thời gian qua, với số vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia từ huyện phân bổ, xã đã tích cực phân bổ để hỗ trợ bò, heo, cây giống cho bà con cải thiện kinh tế. Địa phương cũng kiến nghị các cấp đầu tư thêm kinh phí để địa phương thực hiện hỗ trợ cho người dân thay đổi phương thức sản xuất, đồng thời đầu tư xây dựng các tiêu chí NTM”, ông Đông nói.

Tại Quảng Nam, mức thu nhập của người dân ở các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt ở mức khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Để đạt chuẩn NTM yêu cầu phải thu nhập đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm. Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc diện này còn cao (trung bình khoảng 40%), nếu đạt chuẩn NTM thì hộ nghèo phải giảm còn 13%, mỗi năm phải giảm 13,5% hộ nghèo là điều rất khó.

Mức thu nhập của người dân miền núi Quảng Nam còn tương đối thấp. Ảnh: L.K.

Mức thu nhập của người dân miền núi Quảng Nam còn tương đối thấp. Ảnh: L.K.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực, xã hội hóa ở các xã miền núi tỉnh này còn nhiều hạn chế. Quá trình lồng ghép hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các huyện vùng cao chưa thật sự hiệu quả. Chưa hết, nhiều xã ở miền núi đã khó khăn cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai nên nhiều tiêu chí phải đầu tư lại từ đầu; ngoài ra do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh tế khó khăn làm cắt giảm nhiều cho công tác đầu tư, duy tu bảo dưỡng…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, xây dựng NTM là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nên NTM phải được xây từ chính sức dân; nền tảng NTM phải từ nội lực của địa phương, không chỉ biết dựa vào kinh phí phân bổ của cấp trên. Do đó, vừa phải thực hiện đảm bảo mục tiêu Trung ương, tỉnh giao mà vừa xây dựng NTM không chạy theo thành tích là một vấn đề cần bàn kỹ để có giải pháp xây dựng NTM thực chất.

“Các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội. Trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu nâng cao, không phù hợp với điều kiện của tỉnh, nguồn vốn chưa đảm bảo.... Vậy nên, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM gặp nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn nhìn nhận.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.