| Hotline: 0983.970.780

Viện Kiểm sát kiên quyết bảo vệ quan điểm tử hình bà Trương Mỹ Lan

Thứ Hai 25/11/2024 , 20:27 (GMT+7)

'Hậu quả của vụ án đặc biệt lớn, chưa từng có từ trước đến nay, chưa biết khi nào mới khắc phục được, các tình tiết giảm nhẹ chưa đủ để giảm án tử hình'.

Đó là nhận định của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao trong phần tranh luận, phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm ngày 25/11.

Nhiều tài sản của bà Lan chưa thể định giá trị là bao nhiêu

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm đối đáp về nhiều nội dung tranh luận mà bà Trương Mỹ Lan và các luật sư đã nêu trong những ngày làm việc trước.

Viện Kiểm sát ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bà Lan, tích cực đưa nhiều mã tài sản vào khắc phục hậu quả vụ án... Tuy nhiên, nhiều tài sản chưa được các cơ quan tố tụng xác định có đầy đủ giá trị pháp lý, để đủ cơ sở xác định giá trị của những tài sản này.

Trước đó, đáp lại quan điểm của luật sư cho rằng “bà Lan chỉ thực hiện một hành vi xuyên suốt, nhưng toà lại tách ra xử lý về 2 tội là bất lợi cho bị cáo”, Viện Kiểm sát cho rằng việc nhập cả hai giai đoạn như vậy sẽ làm số liệu tăng lên, gây bất lợi cho bà Lan.

Theo Viện Kiểm sát, trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng, trong đó có 483.000 tỷ đồng nợ gốc. Trong số các khoản vay này thì các khoản vay của bà Lan chiếm đến 84%, đều thuộc nợ xấu nhóm 5.

Đại diện Viện Kiểm sát cấp cao nêu nhiều lập luận làm cơ sở cho quan điểm giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. 

Đại diện Viện Kiểm sát cấp cao nêu nhiều lập luận làm cơ sở cho quan điểm giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. 

Viện Kiểm sát cho rằng, bà Lan đã rút tiền của SCB dùng để đầu tư các dự án bất động sản, trả nợ cá nhân. Hành vi chiếm đoạt của bị cáo còn thể hiện ở việc chỉ đạo đồng phạm vận chuyển một số tiền mặt 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD từ ngân hàng về chỗ ở sử dụng mục đích cá nhân.

"Hành vi của bị cáo và các đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoản tiền gốc và lãi đặc biệt lớn, nên Viện Kiểm sát truy tố về tội Tham ô tài sản là phù hợp với quy định của pháp luật. Như đã phân tích, hành vi của bị cáo xuyên suốt, nếu nhập 2 giai đoạn làm một số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt sẽ tăng lên, gây bất lợi cho bị cáo”, Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Đối với quan điểm của luật sư cho rằng bà Lan “rút tiền chủ yếu để đảo nợ khoản vay cũ, tiền không ra khỏi ngân hàng”, Viện Kiểm sát lặp lại số liệu đã công bố về 1.284 khoản vay, xác định ngoài tiền giải ngân để đảo nợ, bị cáo còn sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát cho rằng, trong 1.169 mã tài sản liên quan đến bị cáo Lan và nhờ người khác đứng tên thì chỉ có 60 tài sản mua trước 2012. Còn lại 94% số tài sản trên mua sau khi tham gia tái cơ cấu SCB. Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên Vạn Thịnh Phát cũng thừa nhận tập đoàn không có hoạt động kinh doanh đáng kể. “Như vậy, bị cáo Lan không chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ mà dùng nhiều mục đích khác nhau khi tiền ra khỏi ngân hàng”, Viện Kiểm sát kết luận.

Không giao tài sản của bà Lan cho riêng SCB xử lý

Cũng tại phiên tòa chiều 25/11, đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục nêu quan điểm tranh luận với luật sư, bị cáo và những người liên quan về các yêu cầu kháng cáo.

Đối với kháng cáo của SCB (bị hại) về việc “buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với khoản tiền lãi của 1.283 khoản vay cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ”, Viện Kiểm sát cho rằng không có căn cứ, bởi toàn bộ hợp đồng thế chấp rút tiền SCB đều được làm khống nên việc các cơ quan tố tụng tính đến ngày khởi tố vụ án (7/10/2022) là đúng quy định.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 25/11/2024.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 25/11/2024.

Viện Kiểm sát cũng không đồng ý với yêu cầu giao dự án 6A, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) cho SCB quản lý. Quá trình xét xử bà Lan và SCB đều thừa nhận tài sản này không được dùng để đảm bảo cho bất cứ khoản vay nào tại SCB. Bà Lan đã tự nguyện dùng tài sản này để khắc phục hậu quả và không đồng ý giao cho SCB là có căn cứ, được Viện Kiểm sát ghi nhận.

Tại phiên phúc thẩm này, bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư bào chữa nhiều lần cam kết “1.121 tài sản đang thế chấp cho SCB đã đủ đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án”, đồng thời đề nghị không giao các mã tài sản này cho SCB xử lý vì đây tài sản kê biên trong vụ án; SCB không có khả năng xử lý tài sản giá cao gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước...

Viện Kiểm sát đồng quan điểm trong vấn đề này và cho rằng đây là vụ án hình sự, việc xử lý tài sản kê biên cần áp dụng theo quy định của Luật hình sự, tức không thể giao cho SCB mà phải có sự phối hợp với cơ quan thi hành án, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) và dưới sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát TP.HCM và TAND Cấp cao, nhằm đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án nhanh nhất, tốt nhất.

Các bị cáo tại tòa ngày 25/11.

Các bị cáo tại tòa ngày 25/11.

Viện Kiểm sát cũng giữ nguyên quan điểm trước đó về yêu cầu kháng cáo của một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan; giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trong đó, Viện Kiểm sát đề nghị y án tù chung thân đối với cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn. Các bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch tập đoàn Capella; Chu Lập Cơ; Trương Huệ Vân (chồng và cháu bà Lan) cùng nhiều người khác, Viện Kiểm sát đề nghị giảm một phần trách nhiệm hình sự.

Sáng nay, phát biểu quan điểm đối đáp, Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm xác định số tiền chiếm đoạt và tội danh đối với bà Trương Mỹ Lan như bản án sơ thẩm, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. Lý do là, hậu quả vụ án đặc biệt lớn, chưa từng có từ trước đến nay, chưa biết khi nào mới khắc phục được. Từ đó Viện Kiểm sát cho rằng các tình tiết giảm nhẹ của bà Lan "chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình" theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.

"Việc xem xét hình phạt tử hình cho bị cáo Lan sẽ ở trong giai đoạn thi hành án. Bị cáo phải tích cực phối hợp với SCB và các cơ quan tố tụng để làm sao bán được tài sản, thu hồi được tiền nhanh nhất, thì Chủ tịch nước sẽ xem xét", đây là quan điểm của Viện Kiểm sát, còn mức án cụ thể HĐXX sẽ xem xét sau nghị án.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.