| Hotline: 0983.970.780

Đưa đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa vào sâu hệ thống phân phối

Thứ Tư 05/10/2022 , 10:27 (GMT+7)

Hà Nội Thứ trưởng Bộ Công thương kêu gọi Bộ, ban, ngành nghiên cứu chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng tại miền núi.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn. 

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn. 

Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương.

"Đây là yếu tố cốt lõi để đưa các sản phẩm, nhất là những sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước", Thứ trưởng chia sẻ.

Là đơn vị chủ trì Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, Bộ Công thương xác định giai đoạn 2021-2025, dựa theo Quyết định 1162/QĐ-TTg, sẽ có nhiều điểm mới.

Trong đó, có huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu đặc sản; kết nối tiêu thụ; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao tiềm năng, dư địa của những sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao tiềm năng, dư địa của những sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Coi diễn đàn sáng 5/10 là đòn bẩy tăng cường kết nối cung cầu, duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hứa kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vào các kênh phân phối trên thị trường cả nước. 

Song song với đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng cam kết phối hợp Bộ, ban, ngành tổ chức cung cấp, giao thương hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại những khu vực này.

Sản phẩm đặc trưng vùng miền của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều tiềm năng dư địa. Tuy nhiên, qua diễn đàn, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp phân phối lớn cũng chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình đưa hàng hóa đặc sản thành hàng hóa thế mạnh và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh như Điện Biên, Thanh Hóa, Đắk Lắk... bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước quan tâm và bố trí nhiều hơn nguồn lực, tạo điều kiện để đặc sản vùng miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc... được mở đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Người dân thu hoạch gạo séng cù tại tỉnh Điện Biên.

Người dân thu hoạch gạo séng cù tại tỉnh Điện Biên.

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổng hợp thành một chỉnh thể thống nhất để triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Ông cũng đề nghị Bộ, ban, ngành nghiên cứu các chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này. Đồng thời, địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí từ ngân sách địa phương để phát triển thương mại.

Về phía Bộ Công thương, cơ quan sẽ phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động giao thương tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ngoài ra, Bộ hứa tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá báo cáo tình hình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Bộ Công Thương là bản kế hoạch tổng thể, công phu, thể hiện quyết tâm và tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Quyết định 1162/QĐ-TTg.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thị trường carbon là chìa khóa đưa Việt Nam đến Net Zero 2050

Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ chế tín chỉ carbon, giảm phát thải, hướng tới Net Zero 2050, nhằm góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

TP Phủ Lý mở rộng được công nhận là đô thị loại II

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.